image banner
Giới thiệu về Huyện Xuân Trường - tỉnh Nam Định

* Diện tích: Diện tích tự nhiên 112,8 km2.

* Dân số: Trên 19 vạn người, trong đó đồng bào theo đạo thiên chúa giáo chiếm khoảng 30%, mật độ dân số khoảng 1.696 người/km2 (cao hơn bình quân chung của tỉnh). Dân số trong độ tuổi lao động có gần 10 vạn người (trong đó lao động nông nghiệp chiếm khoảng 72%). Nhìn chung, người lao động Xuân Trường có trình độ văn hóa, cần cù, sáng tạo trong lao động, nhiều người có tay nghề cao, là tiền đề quan trọng để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương.

* Các đơn vị hành chính: Huyện gồm 19 xã và một thị trấn là Xuân Bắc, Xuân Châu, Xuân Đài, Xuân Hòa, Xuân Hồng, Xuân Kiên, Xuân Ninh, Xuân Ngọc, Xuân Phong, Xuân Phú, Xuân Phương, Xuân Tân, Xuân Thành, Xuân Thủy, Thọ Nghiệp, Xuân Thượng, Xuân Tiến, Xuân Trung, Xuân Vinh và Thị trấn Xuân Trường.

anh tin bai

* Điều kiện tự nhiên: Là huyện thuộc vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, địa hình bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, được bao bọc bởi 3 con sông lớn: phía Bắc là sông Hồng, phía Tây là sông Ninh Cơ, phía Đông là sông Sò, trên địa bàn huyện còn có hệ thống sông ngòi, mương máng thuận tiện cho giao thông vận tải và tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

* Lịch sử hình thành: Huyện Xuân Trường từ xa xưa vốn là một phần đất do biển bồi tạo nên của hương Giao Thủy. Vào thế kỷ XIII (thời Trần), huyện Giao Thủy (gồm cả Xuân Trường và Giao Thủy ngày nay) là một trong bốn huyện thuộc Phủ Thiên Trường. Năm 1862 phủ Thiên Trường được đổi thành phủ Xuân Trường, như vậy tên Xuân Trường xuất hiện từ thế kỷ XIX nhưng không chỉ địa danh như hiện nay mà là địa danh của một phủ. Tới năm 1934 (đời vua Bảo Đại) phủ Xuân Trường chỉ còn là đơn vị hành chính cấp huyện, cùng với huyện Giao Thủy thuộc tỉnh Nam Định. Cho tới năm 1948 chính thức đổi phủ Xuân Trường thành huyện Xuân Trường.

Tháng 12/1967 theo Quyết định của Chính phủ, hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy hợp nhất thành huyện Xuân Thủy.

Sau 30 năm hợp nhất, ngày 16/02/1997 Chính phủ đã có Nghị định 19/NĐ-CP chính thức tách huyện Xuân Thủy thành 2 huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Huyện Xuân Trường tái lập, chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới từ ngày 01/04/1997 đến nay.

* Về phát triển kinh tế:

Tính đến hết năm 2022, quy mô nền kinh tế tăng gần 16 lần so với năm 1997. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 26 năm đạt trên 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ: tỷ trọng nông nghiệp đã giảm từ 47,3% xuống còn 10,99%; công nghiệp, xây dựng tăng từ 21,9% lên 64,96%.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, xây mới tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng, nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mô hình cánh đồng lớn mang lại giá trị kinh tế cao. Năng suất lúa bình quân 26 năm đạt » 125,17 tạ/ha/năm; giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác năm 2022 đạt 103 triệu đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 1997. Sản xuất nông nghiệp hàng hoá được chú trọng. Xuân Trường là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định xây dựng thành công mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Chăn nuôi phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

- Sản xuất CN - TTCN và dịch vụ của huyện có bước phát triển mạnh kể từ sau khi tái lập huyện đã và đang trở thành khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện với các ngành sản xuất chủ yếu là cơ khí, dệt may, vận tải thủy. Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành 4 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích 52 ha, đã thu hút 53 doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động. Toàn huyện hiện có gần 300 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động. Các làng nghề truyền thống của huyện gồm làng nghề cơ khí (xã Xuân Tiến), thêu ren (xã Xuân Phương), dệt chiếu cói (xã Xuân Ninh), chế biến lâm sản (xã Xuân Bắc), vận tải thủy (xã Xuân Trung), sản xuất lúa tám thơm (xã Xuân Đài)…được duy trì và phát triển, đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động với thu nhập ổn định.

Nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đạt được những bước tiến vượt bậc. Nhiều công trình, dự án được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, tu bổ,… góp phần thay đổi căn bản diện mạo và thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển như: Hệ thống hạ tầng khu Trung tâm huyện, Quần thể lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, đền Liệt sỹ huyện; đường 32m, đường 488, đường 489, đường 489C từ cầu Lạc Quần đến Phà Sa Cao, đường Bắc - Phong - Đài, đường Xuân Thủy - Nam Điền; dự án kiên cố hóa các hệ thống kênh cấp I; nâng cấp và kiên cố hoá toàn tuyến đê Hữu Hồng, đê tả Ninh Cơ, Hữu Sò và một số cống lớn trên đê,... Nhiều công trình trụ sở làm việc, Nhà văn hóa huyện, các xã, thị trấn và xóm, tổ dân phố; trường học, trạm y tế, đường giao thông, chợ nông thôn, công trình nước sạch, hệ thống truyền tải điện,... được đầu tư kiên cố hoá, cải tạo, nâng cấp, xây mới.

* Về văn hóa - xã hội:

- Cùng với phát triển kinh tế, nhiệm vụ phát triển Văn hóa - Xã hội được quan tâm, chăm lo tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của huyện. Trong đó, Giáo dục - Đào tạo được xác định là 1 trong 2 mũi nhọn truyền thống được ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến nay, toàn huyện có 58/61 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 95,08%; 51/61 trường đạt chuẩn Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn đạt 83,6%. Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ở các cấp học đều đạt cao; thành tích học sinh giỏi thường xuyên nằm trong tốp đầu của tỉnh; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng ngày một tăng và có nhiều thủ khoa toàn quốc. Ngành GD-ĐT huyện được tặng Huân chương Lao động hạng 3; 2 lần được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

- Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao có nhiều chuyển biến. Các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng đồng bộ, theo chuẩn NTM. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Đề án thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn được triển khai sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” là 88%; tỷ lệ xóm, thôn, TDP đạt danh hiệu văn hóa là 98,9%; 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt chuẩn văn hóa. Các lễ hội truyền thống được duy trì và phát triển đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân. Chùa Keo - Hành Thiện được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt, lễ hội chùa Keo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia,…

- Công tác Y tế, DS-KHHGĐ luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở coi trọng: dịch Covid 19 được phòng chống và khống chế tốt. Trung tâm Y tế huyện và hầu hết các Trạm y tế  được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới khang trang với nhiều thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, 20/20 xã, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn II; 166/179 thôn, xóm (tổ dân phố) có y tế thôn. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao.

- Với bề dầy lịch sử đáng tự hào, Xuân Trường có nhiều công trình kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo độc đáo với nhiều di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng, tiêu biểu là Quần thể lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh; Di tích chùa Keo được xây dựng từ thế kỷ XIII với nhiều giá trị kĩ - mĩ thuật nổi tiếng; Tiểu vương cung Thánh đường Phú Nhai, Tòa giám mục Bùi Chu - Trung tâm điều hành công giáo của các huyện phí Nam tỉnh Nam Định, đó là tiềm năng, lợi thế quan trọng về phát triển du lịch, phát triển kinh tế xã hội.

- Các lễ hội truyền thống tiêu biểu: Lễ hội Đền - chùa Kiên Lao xã Xuân Kiên (05 tháng Giêng), Lễ hội làng An Cư xã Xuân Vinh (06- 07 tháng Giêng), lễ hội chùa Thọ Vực xã Xuân Phong (15 tháng Giêng), Lễ hội làng Nhân Thọ xã Thọ Nghiệp (15 tháng Giêng), Lễ hội làng Ngọc Tỉnh thị trấn Xuân Trường (11 tháng Giêng), Lễ hội làng Xuân Bảng thị trấn Xuân Trường (12/02- AL), Lễ hội Chùa Nghĩa Xá xã Xuân Ninh (01/3-AL), Lễ hội làng xã Xuân Bắc (15/3-AL), Lễ hội Đền Xuân Hy xã Xuân Thủy (20/8-AL), Lễ hội chùa Keo Hành Thiện xã Xuân Hồng (12-15/9-AL)./.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai
image advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisement

 

Bản quyền thuộc UBND huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

Địa chỉ: Thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

Điện thoại: (0228)8870699.

Email nhận thư từ tỉnh: ubndhuyenxuantruong-namdinh@chinhphu.vn

Email nhận thư trong huyện: vpxuantruong.xtg@namdinh.gov.vn

 

                     image banner