image banner
Các bài báo viết về những lần Bác về thăm: Hồ Chủ tịch đi xem xét việc chống hạn ở Nam Định (Lần thứ 4 năm 1959)
Lượt xem: 327

Hồ Chủ tịch nói: "Chúng ta phải thắng thiên tai, hạn hán bão lụt để sản xuất ngày càng được nhiều".

Ngày 15-3-1959, Hồ Chủ tịch đã về thăm tỉnh Nam Định, nói chuyện về tình hình chống hạn và đẩy mạnh vụ chiêm. Cùng đi với Hồ Chủ tịch, có Phó trưởng ban thường trực Quốc hội Tôn Quang Phiệt và Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi Trần Đăng Khoa.

...

Tại thị xã Ninh Bình và thành phố Nam Định, ở mỗi nơi Hồ Chủ tịch đã nói chuyện về chống hạn để đẩy mạnh vụ Đông-Xuân với hàng nghìn đại biểu cán bộ và nhân dân của mỗi tỉnh. Sau khi khen một số có cố gắng, nêu những thành tích chống hạn và sản xuất, Hồ Chủ tịch đã nêu rõ những khuyết điểm, thiếu sót cần khắc phục. Đại ý, Người đã nói là vừa qua tình hình chống hạn tuy có khá hơn nhưng vẫn chưa đủ. Đào đất để chống hạn còn ít. Bình quân của Ninh Bình mới trên 2 thước khối, của Nam Định mới có 1 thước khối. Có hạn là do không biết giữ nước như Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn của Ninh Bình; Vụ bản, Ý Yên của Nam Định. Còn hạn là do lãnh đạo tuy có cố gắng nhưng thiếu quyết tâm bền bỉ, thiếu liên tục từ xã đến huyện, tỉnh, thiếu kế hoạch chung nên tốn công nhiều mà ít kết quả...khuyết điểm nữa là không chú ý đúng mức đến hoa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi. Lãnh đạo cần phải toàn diện.

Hồ Chủ tịch đã dặn dò cán bộ phải cố gắng quyết tâm chống hạn và quyết tâm phải liên tục, bền bỉ. Biến quyết tâm của cán bộ thành quyết tâm của nhân dân, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các xóm, các xã, các huyện, các tỉnh. Quyết tâm và đoàn kết để chống hạn và đẩy mạnh sản xuất Đông - Xuân được thắng lợi. Muốn chống hạn tốt, phải tuỳ từng địa phương mà làm việc đào mương, đào giếng, tát nước, giữ nước. Mỗi xã phải có kế hoạch nhỏ của xã mình, và huyện, tỉnh phải có kế hoạch chung để điều hoà phối hợp. Trong khi chống hạn, phải đồng thời có kế hoạch phòng hạn, phòng úng. Cán bộ và nhân dân phải chống những tư tưởng bảo thủ, sợ khó, sợ khổ, ỷ lại. Ruộng có đủ nước, còn cần phải đủ phân thì nước mới tốt. Bình quân 3 tấn 6 phân một mẫu tây như Ninh Bình là còn ít quá. Phải cố gắng bón nhiều phân hơn nữa. Chăm sóc tốt, và phải phòng sâu, trừ sâu và phòng cúm nữa.

Hồ Chủ tịch đã nhắc nhở toàn thể đảng viên, đoàn viên thanh niên phải gương mẫu, tất cả các HTX và tổ đổi công cũng phải gương mẫu làm đầu tàu giúp đỡ những người còn làm ăn riêng lẻ. Hồ Chủ tịch đã nhân mạnh: nhân dân ta đã anh dũng kháng chiến, cần phải anh dũng trong sản xuất. Chúng ta phải thắng thiên tai, hạn hán, bão lụt...để sản xuất ngày càng được nhiều đem lại hạnh phúc cho nhân dân, đưa nước nhà tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.

Đại biểu tỉnh Ninh Bình, cũng như ở Nam Định, đã thay mặt hội nghị lên hứa hẹn kiên quyết chấp hành huấn thị của Hồ Chủ tịch giữa những tiếng "quyết tâm" rắn rỏi.

Ở Nam Định, đại biểu Ninh Bình đã báo cáo tình hình chống hạn của tỉnh và đề nghị tỉnh Nam Định cùng thi đua chiến thắng hạn hán. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định thay mặt các bộ và nhân dân trong tỉnh nhận lời thi đua đó.

Ở cả hai nơi, Hồ Chủ tịch đã để lại một số huy hiệu để tặng thưởng những đơn vị, cá nhân lập được nhiều thành tích trong phong trào chống hạn và làm chiêm hiện nay.

 

(Trích bản tin báo Nhân dân số 111 ngày 18/3/1959)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

 

Bản quyền thuộc UBND huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

Địa chỉ: Thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

Điện thoại: (0228)8870699.

Email nhận thư từ tỉnh: ubndhuyenxuantruong-namdinh@chinhphu.vn

Email nhận thư trong huyện: vpxuantruong.xtg@namdinh.gov.vn

 

                     image banner