image banner
Huyện Xuân Trường tổng kết sản xuất vụ xuân 2022, triển khai sản xuất vụ Xuân năm 2023
Lượt xem: 226

    Chiều ngày 16/11/2022, UBND huyện tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết sản xuất vụ xuân năm 2022, triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ xuân năm 2023. Đồng chí Đặng Ngọc Cường - Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị, Dự Hội nghị có đồng chí Bùi Văn Hảo - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Phạm Minh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND; các đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; Lãnh đạo Chi cục Thống kê, Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT, Điện lực, Đội quản lý thị trường số 4, Lãnh đạo công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Xuân Thủy. Tại điểm cầu các xã thị trấn có Thường trực Đảng ủy, lãnh đạo HĐND-UBND, Chủ tịch HĐQT các HTX SXKD dịch vụ nông nghiệp, Bí thư, xóm trưởng, tổ trưởng TDP các xã thị trấn.

anh tin bai

Quang cảnh Hội nghị


    Sản xuất vụ Xuân 2022 triển khai trong điều kiện có nhiều khó khăn: Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kết hợp với mưa lớn làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa sau gieo cấy, cục bộ có một số diện tích lúa Xuân bị chết phải gieo cấy lại nên sinh trưởng của lúa Xuân không đồng đều và phân thành nhiều trà. Song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cùng với sự chủ động, tích cực, nỗ lực của ngành nông nghiệp và nông dân trong huyện nên sản xuất nông nghiệp vụ Xuân năm 2022 đã đạt được những kết quả khá toàn diện cả về năng suất, sản lượng và hiệu quả. Năng suất lúa trung bình đạt 72,30 tạ/ha, sản lượng thóc đạt 39.331 tấn. Vụ Xuân 2022, ngoài lúa cỏ, các đối tượng dịch hại khác phát sinh gây hại ở mức nhẹ - trung bình. Các địa phương đã tổ chức tốt các đợt diệt chuột tập trung theo kế hoạch của UBND huyện. Riêng đối với lúa cỏ: Điện tích bị nhiễm toàn huyện khoảng 200 ha (tập trung chủ yếu ở các địa phương: Xuân Thượng, Xuân Kiên, Xuân Châu, Xuân Hồng, Xuân Phương…), trong đó, diện tích nhiễm nặng (>20%) là 27 ha (có 0,5 ha bị tiêu hủy tại Xuân Hồng, Xuân Thượng). Các cơ quan khối nông nghiệp đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, tập huấn cho các hộ nông dân quy trình xử lý lúa cỏ bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó biện pháp xử lý thủ công là chính, đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí, đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, toàn huyện đã gieo trồng được 854,44 ha cây rau màu các loại, trong đó có 124,18 ha ngô, còn lại là các cây rau màu khác. Các cơ quan, đơn vị và địa phương trong huyện đã tổ chức trồng mới, trồng dặm, bổ sung cây đầu năm tại các tuyến đường, công trình công cộng… bằng các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây cải tạo môi trường sinh thái, với 83.000 cây.

anh tin bai

Đ/c Trần Tùng - HUV, Trưởng phòng NN&PTNT huyện trình bày báo cáo tại Hội nghị


    Công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được huyện và các địa phương quan tâm. Theo số liệu thống kê thời điểm 01/4/2022, trên địa bàn huyện có: Tổng đàn trâu: 790 con; đàn bò: 950 con, đàn lợn 75.510 con, đàn gia cầm: 713.190 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm đạt 10.056 tấn. Toàn huyện có 640 ha ao, đầm và 60 lồng, bè NTTS. Trong đó diện tích thả cá thâm canh là 225 ha (chiếm 35,2% tổng diện tích ao đầm), tập trung ở các vùng chuyển đổi với đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống. Riêng tại vùng chuyển đổi Xuân Vinh - Xuân Hòa các hộ NTTS đã thả nuôi một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, cá lăng, cá trắm đen với diện tích nuôi là 40 ha. Tổng sản lượng thuỷ sản vụ Xuân năm 2022 trên địa bàn huyện đạt 1.890 tấn. Công tác làm thuỷ lợi nội đồng được quan tâm chỉ đạo; một số địa phương đã tích cực làm tốt việc huy động nguồn vốn xã hội hóa kiên cố hóa 5,3 km kênh cấp 2 và cứng hóa 3,83 km đường giao thông nội đồng tại 07 địa phương là Xuân Ninh, thị trấn Xuân Trường, Xuân Thượng, Xuân Ngọc, Thọ Nghiệp, Xuân Thủy, Xuân Vinh. Công ty TNHH 1 TV KTCTTL Xuân Thủy đã đào đắp, nạo vét, đắp bờ vùng kênh cấp II được 30.862 m3= 65% kế hoạch. 

    Bên cạnh đó, huyện và các địa phương đã quan tâm xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Vụ Xuân 2022, các địa phương tiếp tục duy trì ổn định và mở rộng sản xuất lúa 52 cánh đồng lớn với diện tích 2.119 ha chiếm 40% tổng diện tích gieo cấy, tăng 10 CĐL với diện tích 292 ha so với vụ Xuân 2021) tại 19/20 xã, thị trấn . Đối với cánh đồng lớn liên kết gắn với cơ giới hóa đồng bộ sản xuất: toàn huyện có 09 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với người dân (05 công ty và 01 HTX) để sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao với tổng diện tích 210 ha tại 07 địa phương gồm Xuân Ninh, Xuân Kiên, Xuân Tiến, thị trấn Xuân Trường, Xuân Thượng, Xuân Phong, Xuân Vinh. Trong đó có 06 mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất. Cũng trong vụ Xuân 2022, ngoài 06 doanh nghiệp tích tụ hơn 300 ha để sản xuất hạt giống lúa lai F1, lúa chất lượng cao, rau củ quả hàng hóa còn có 87 cá nhân tích tụ để sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 488,03 ha. Tiếp tục duy trì 12 mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản tại 08/20 xã là Xuân Đài, Xuân Ninh, Xuân Hồng, Xuân Hòa, Xuân Phương, Thọ Nghiệp, Xuân Vinh, Xuân Trung với tổng diện tích chuyển đổi là 51,24 ha. Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp NTTS cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa từ 1,5 ÷ 2 lần. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 12 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (đạt 3 sao), 19 sản phẩm đang chờ Hội đồng của tỉnh thẩm định, công nhận. Trong đó, có 04 mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển 07 sản phẩm ở 04 xã Xuân Hòa, Xuân Tiến, Xuân Thành, Xuân Bắc.

anh tin bai

Đ/c Trưởng phòng Nội vụ huyện tham luận tại Hội nghị

anh tin bai

Đ/c Giám đốc Trung tâm DVNN huyện tham luận tại Hội nghị

anh tin bai

Đ/c Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Xuân Thủy tham luận tại Hội nghị

anh tin bai

Đ/c Chủ tịch UBND xã Xuân Vinh tham luận tại Hội nghị


    Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kết quả đạt được, chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế trong sản xuất vụ xuân 2022. Đồng thời, góp ý, đề xuất các kiến nghị giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi vụ xuân 2023.

anh tin bai

Đ/c Đặng Ngọc Cường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu kết luận Hội nghị


    Phát biểu kết luận hội nghị, sau khi chỉ rõ những tồn tại hạn chế, về nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất trong thời gian tới, đồng chí Đặng Ngọc Cường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Các xã thị trấn cần khắc phục khó khăn, bám sát diễn biến của thời tiết phấn đấu sản xuất vụ Xuân đạt kết quả cao trong mọi tình huống. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi trang trại, chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh kinh tế tập thể, khuyến khích phát triển các HTX chuyên ngành sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Phấn đấu vụ Xuân 2023 đạt kết quả cao cả về năng suất, chất lượng. UBND các xã, thị trấn tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả, rút ra những bài học kinh nghiệm từ sản xuất nông nghiệp vụ Xuân 2022, trên cơ sở đó khẩn trương xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho sản xuất nông nghiệp vụ Xuân 2023 tại địa phương. Tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác làm thủy lợi nội đồng vụ Đông Xuân 2022 ÷ 2023 theo kế hoạch đã được phê duyệt và theo phân cấp quản lý, đảm bảo hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Phấn đầu hoàn thành các điều kiện phục vụ sản xuất trước ngày 31/12/2022. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thủy nông của Công ty TNHH 1TV khai thác công trình thủy lợi Xuân Thủy, thủy nông viên của các HTX SXKDDVNN trong việc theo dõi, báo cáo tình hình hạn, mặn; tổ chức lấy nước đầu cống, đập, kênh trong toàn hệ thống ở mức cao nhất và điều tiết nước hợp lý theo yêu cầu sản xuất, hạn chế thấp nhất tình trạng hạn, úng cục bộ xảy ra. Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi huy động lực lượng, phương tiện cày lật đất phơi ải sớm ngay sau khi đất khô để tăng thời gian phơi ải, đồng thời thực hiện bừa ngả ngay sau khi lấy nước đổ ải. Toàn huyện phấn đấu cơ bản cày ải xong trước ngày 10/12/2022, hoàn thành khâu làm đất xong trước ngày 08/02/2023. Thực hiện nghiêm lịch sản xuất vụ Xuân năm 2023. Toàn huyện phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân trước ngày 17/02/2023. Về chăn nuôi cần nắm chắc tổng đàn vật nuôi, nhất là thời điểm trước tiêm phòng chính vụ vụ Xuân 2023 để xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm phòng sát, đúng với tình hình thực tế, đảm bảo 100% vật nuôi trong diện tiêm phòng được tiêm vắc xin phòng các loại bệnh bắt buộc theo quy định. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi và các đối tượng NTTS; khắc phục cho được tình trạng khi chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của huyện đến kiểm tra thì cơ sở chăn nuôi đã bán chạy vật nuôi ốm, chết bất thường làm lây lan dịch bệnh.

    Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp từ nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa. Trong đó ưu tiên thực hiện mô hình trình diễn các giống lúa mới, mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới về phân bón như phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học, phân bón theo công nghệ nano.., mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới một số loại thuốc bảo vệ thực vật có tính an toàn cao, ít độc hại với con người và môi trường, hỗ trợ một số khâu trong quy trình kỹ thuật quản lý một số đối tượng dịch hại mới như lúa cỏ… Đối với các xã, thị trấn xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu năm 2022, tập trung nhân lực, nguồn lực thực hiện cho được yêu cầu của các tiêu chí. Các xã, thị trấn có kế hoạch xây dựng NTM kiểu mẫu năm 2023 cần nghiên cứu kỹ các yêu cầu tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn để tổ chức triển khai thực hiện ngay từ vụ Xuân năm 2023. Giao Phòng NN & PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa xuân 2023, nhất là quy trình xử lý lúa cỏ; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các mô hình sử dụng kinh phí hỗ trợ cho người trồng lúa, các định mức kỹ thuật được áp dụng đối với từng mô hình. Đoàn kiểm tra liên ngành về lĩnh vực nông nghiệp của huyện, UBND các xã, thị trấn tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, kinh doanh vật tư nông nghiệp, việc vận chuyển, buôn bán giết mổ động vật trên địa bàn tại các thời điểm quan trọng như đầu vụ sản xuất lúa, thời điểm phòng trừ dịch hại, trong dịp tết Nguyên đán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.

 

Thực hiện: PV Nguyễn Huệ - Trung tâm VH-TT&TT huyện






Thống kê truy cập
  • Đang online: 24
  • Hôm nay: 1606
  • Trong tuần: 28 630
  • Tất cả: 4418511