image banner
Chi bộ Cộng sản đầu tiên - Hạt giống đỏ của quê hương cách mạng
Lượt xem: 5471
Tháng 6 - 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn một nhóm chiến sĩ trẻ tuổi trong tổ chức Tâm Tâm xã ở Quảng Châu (Trung Quốc) và một số thanh niên yêu nước từ trong nước mới sang để thành lập một đoàn thể cách mạng mới có xu hướng mác xít. Đó là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (gọi tắt là Thanh niên), trong đó có tổ chức Cộng sản đoàn làm nòng cốt. Hội có nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Tuần báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận Trung ương của Hội do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
  Tại Nam Định, từ năm 1926 - 1927, cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã được xây dựng ở nhà máy sợi và nhà máy điện của thành phố Nam Định. Tháng 9-1927, một số hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, trong đó có ông Nguyễn Danh Đới, đại biểu Kỳ bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ, triệu tập hội nghị và quyết định thành lập tỉnh bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Nam Định. Hội nghị đã cử ra Ban chấp hành tỉnh bộ lâm thời gồm 3 đồng chí Nguyễn Văn Hoan, Vũ Huy Hào và Trần Trung Tín, do đồng chí Nguyễn Văn Hoan làm bí thư. Có một số thanh niên người Xuân Trường đã tham gia Việt Nam cách mạng thanh niên ngay từ đầu, đó là các đồng chí Đặng Xuân Khu và Đặng Xuân Thiều. Năm 1927, đồng chí Đặng Xuân Khu (tức đ/c Trường Chinh) đang học ở trường Thành Chung, Nam Định, do tham gia cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh nên bị đuổi học, đã được đồng chí Nguyễn Văn Hoan tuyên truyền, giới thiệu và được kết nạp vào Hội. Đó là hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên người huyện Xuân Trường.

    Cũng năm 1927, đồng chí Đặng Xuân Thiều (em họ đồng chí Đặng Xuân Khu) đang làm công nhân trong xưởng sửa chữa tàu thuỷ của hãng Sôva (Hải Phòng) cũng đã gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Hải Phòng. Đồng chí Thiều là một trong ba đại biểu của Hải Phòng đi dự Hội nghị Tổng công hội đỏ lần thứ nhất (tháng 7 - 1929).

    Trong thời gian này ở huyện Xuân Trường, đồng chí Nguyễn Trường Thuý là giáo học, người Nghệ An, đã tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đến dạy học ở Lạc Quần, sau chuyển về Lạc Nghiệp, đã chú ý tuyên truyền cách mạng trong các học sinh yêu nước. Đồng chí Nguyễn Xuân Lầm, công nhân ở Nam Định, cũng về sống ở chùa Tự Lạc (Thọ Nghiệp) hoạt động. Hai đồng chí đã có công thúc đẩy phong trào cách mạng ở địa phương. Cuối năm 1928, một tiểu tổ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đã được thành lập ở Lạc Nghiệp, gồm 5 hội viên: Nguyễn Trường Thuý (tức Kiến Sơn) Nguyễn Xuân Lầm (tức Trọng), Trịnh Thế Cửu (tức Tứ), Vũ Quý Huỳnh (tức Trà) và Hồ Gia Tường (tức Hoa). Tiểu tổ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội và Tự Lạc đã có nhiều hoạt động tích cực như: tổ chức đọc các loại sách báo tiến bộ, kỷ niệm các ngày truyền thống của dân tộc, nhằm giáo dục lòng yêu nước, kêu gọi tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong nhân dân.

    Để mở rộng tổ chức Tiểu tổ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội nhiều hơn nữa, đồng chí Nguyễn Trường Thuý còn đi đến các xã lân cận như Định Hải (xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy), Lạc Quần và nhiều nơi ở huyện Giao Thuỷ để tuyên truyền, giác ngộ và kết nạp các hội viên mới. Ở Cát Xuyên (nay là xã Xuân Thành), đồng chí Đào Đình Mẫn, giáo học, cũng đã giác ngộ tinh thần yêu nước, truyền bá tư tưởng cách mạng cho một số học sinh của mình và thành lập một Tiểu tổ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở đó. Đồng chí Phạm Uý, người Xuân Ninh, được đồng chí Nguyễn Trường Thuý giác ngộ, thành lập một Tiểu tổ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xuân Ninh v.v...

    Trong thời gian này, ở huyện Xuân Trường, còn có một tờ báo cách mạng bí mật được phát hành, gọi là tờ “Dân cày” do đồng chí Trường Chinh sáng lập và cùng hai người em họ là Đặng Xuân Thiều và Đặng Xuân Quyền tổ chức in ấn phát hành. Tờ báo “Dân cày” có ảnh hưởng tốt tới phong trào địa phương. Khoảng đầu năm 1930, đồng chí Đặng Xuân Quyền đã vận động thêm một số người tin cẩn và có tinh thần cách mạng, cộng tác để tiếp tục phát hành tờ báo “Dân cày”. Tờ báo tiếp tục hoạt động được là nhờ các tổ chức Đảng ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định (qua sự liên hệ trước của đ/c Trường Chinh và Đặng Xuân Thiều) cung cấp cho một số tài liệu như báo “Sao đỏ”, báo “Búa liềm”, báo của tổ chức Đảng ở nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy tơ Nam Định và những sách truyền bá chủ nghĩa Mác như “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, “Chủ nghĩa Mác”v.v... Nhóm biên tập không chỉ in báo, phát hành báo bí mật tới từng nhà ở Hành Thiện, phố Phủ, các giáo viên và học sinh trường Tiểu học, binh lính ở đồn binh Lạc Quần v.v..., mà còn nhân bản các tài liệu sách báo cách mạng cung cấp cho các tổ chức Đảng ở Lạc Nghiệp, Tự Lạc và các huyện xung quanh. Tờ báo “Dân cày” ra được tất cả 19 số, đến tháng 5 - 1931, do địch theo dõi, khủng bố gắt gao, nên phải đình bản.

Sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên và cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở huyện Xuân Trường

    Ngay sau khi thành lập, Đông Dương cộng sản Đảng đã cử đại biểu đi vận động phát triển tổ chức của Đảng ở khắp nơi. Ngày 19/6/1929, Việt Nam cách mạng thanh niên ở Nam Định đã nhanh chóng chuyển sang Đông Dương cộng sản Đảng, thành lập Ban Tỉnh uỷ lâm thời, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Hới, Nguyễn Văn Ngọ, Lê Ngọc Rư, do đồng chí Nguyễn Hới làm Bí thư. Lần đầu tiên, ngày 19/6/1929, Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng và cờ Búa liềm xuất hiện ở thành phố Nam Định.

    Ngày 3/2/1930 tại bán đảo Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành một đảng lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam. Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước chống thực dân Pháp diễn ra quyết liệt, tháng 10/1930, Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng cộng sản Việt Nam đã họp hội nghị lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị quyết định đổi tên Đảng thành Đảng cộng sản Đông Dương. Hội nghị đã thông qua Luận cương chính trị, do đồng chí Trần Phú khởi thảo, có sự tham gia ý kiến của đồng chí Nguyễn Thế Rục (người Xuân Trường).


Đ/c Nguyễn Thế Rục (1902-1938)

Nhà Cách mạng tiền bối, “Giáo sư Đỏ”

    Trên cơ sở đường lối cách mạng của Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh uỷ Nam Định, các đảng viên của Đông Dương cộng sản đảng ở Xuân Trường đã nhanh chóng chuyển sang tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam (sau đổi là Đảng cộng sản Đông Dương). Qua một thời gian chuẩn bị tích cực của các đảng viên, cuối năm 1930 ở Xuân Trường đã hình thành các tiểu tổ cộng sản: Tiểu tổ Lạc Nghiệp gồm 14 đảng viên, tiểu tổ Xuân Bảng: 5 đảng viên, tiểu tổ Lạc Quần: 5 đảng viên, tiểu tổ Tự Lạc: 2 đảng viên. Tổng số đảng viên trong toàn huyện là 26 đảng viên, trong đó tiểu tổ Lạc Nghiệp đông hơn cả và cũng là một tổ Đảng hoạt động sôi nổi và có hiệu quả nhất. Do tình hình của phong trào trong những ngày đầu mới xây dựng, các tiểu tổ Đảng ở Xuân Trường do Tỉnh uỷ Nam Định trực tiếp chỉ đạo. Về sau có thêm tiểu tổ cộng sản ở Đông An (Xuân Thành) do Tỉnh uỷ Thái Bình trực tiếp chỉ đạo. Trong quá trình phát triển của phong trào cách mạng, các tiểu tổ Đảng trong huyện Xuân Trường đã phấn đấu để nhanh chóng thành lập được Đảng bộ huyện trực tiếp chỉ đạo phong trào thống nhất trong toàn huyện và thành lập các chi bộ thay thế cho các tiểu tổ Đảng. Cuối năm 1930, được sự nhất trí của Tỉnh uỷ Nam Định, liên chi uỷ Xuân Trường được thành lập và coi đó là Đảng bộ huyện đầu tiên ở địa phương. Tỉnh uỷ Nam Định chỉ định Ban huyện uỷ lâm thời gồm các đồng chí: Nguyễn Trường Thuý, Phạm Ry, Lê Trọng Mưu, do đồng chí Thuý làm Bí thư.


Đ/c Nguyễn Trường Thúy-Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên

của huyện Xuân Trường

    Có sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân các địa phương trong huyện chống thực dân Pháp xâm lược và bọn phong kiến tay sai, được phát triển. Tháng 4-1930, nhân dịp hội làng Trà Trung, các đồng chí đảng viên chi bộ Lạc Nghiệp đã bố trí treo cờ Đảng trên ngọn cột đèn đám hội làm xôn xao dư luận. Chi bộ cộng sản Lạc Quần (Xuân Ninh) vận động nhân dân quyên góp tiền, gạo ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy dệt Nam Định. Ngày 1/5/1930 và dịp Tết Tân Mùi (1931), Đảng bộ Xuân Trường đã chỉ đạo đảng viên các địa phương trên các trục đường giao thông trong huyện và các điểm dân cư như đồn binh Lạc Quần (Xuân Ninh), phủ lỵ Xuân Trường (Xuân Hồng), chợ Cát Xuyên (Xuân Thành), chợ Trung (Xuân Trung), chợ Lau Sáng (Xuân Tiến) rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm. Quần chúng nhân dân phấn khởi; kẻ địch hoang mang, lo sợ. Uy tín của Đảng được nâng cao.

    Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh của nhân dân Xuân Trường, bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai thẳng tay đàn áp, khủng bố. Chúng tổ chức một mạng lưới mật vụ dầy đặc để truy lùng các tổ chức và đảng viên cộng sản. Mặc dù nhiều đồng chí lãnh đạo huyện đã bị bắt, bị tra tấn, tù đầy nhưng ý chí đấu tranh của quần chúng vẫn sôi sục.

    Năm 1931, do bị mất mùa lớn nên nông dân Xuân Trường, gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống. Nhiều nơi đã viết đơn lên phủ, yêu cầu giảm thuế để giảm bớt khó khăn, nhưng chính quyền thực dân phong kiến ở địa phương đã lờ đi không giải quyết những nguyện vọng và yêu cầu chính đáng đó.

    Trước tình hình ấy, Huyện uỷ chủ trương phát động nông dân đứng dậy đấu tranh với quy mô tương đối lớn và trong phạm vi rộng, nhằm vào các yêu sách cụ thể là: Giảm thuế thân; Giảm và khất thuế điền; Chống phụ thu, lạm bổ; Chống đàn áp, chống trả thù đối với những người hoạt động chính trị v.v.

    Lần đầu tiên, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, nhân dân ba xã Lạc Nghiệp, Quất Lâm Hạ và Hội Khê Ngoại đã nổi dậy đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi giảm sưu, khất thuế... thu hút được đông đảo quần chúng tham gia. Mặc dù còn những nhược điểm nhất định, song cuộc đấu tranh đó đã buộc bọn thống trị phải nhượng bộ ít nhiều về kinh tế... Những thắng lợi ban đầu đó chẳng những có ý nghĩa thiết thực giải quyết khó khăn trong đời sống, mà còn có ý nghĩa to lớn về chính trị và cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân, giúp cho Đảng bộ có thêm kinh nghiệm trong việc chỉ đạo các cuộc đấu tranh sau này.

    Sau những cuộc đấu tranh nói trên, Huyện uỷ chủ trương đảng viên phải đi sâu, đi sát phong trào quần chúng hơn nữa để nắm bắt nguyện vọng và hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Vào lúc này cần có nhiều hình thức đấu tranh, hình thức tổ chức phong phú như tổ chức các hội đọc sách, nông hội, hội góp công, đổi công v.v... để hướng dẫn quần chúng đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp và để các đảng viên đi vào hoạt động bí mật, tập hợp lực lượng chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới.

Đảng bộ Xuân Trường vượt qua bước thoái trào 1932 - 1935 và tiến lên lãnh đạo cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ 1936 -1939

    Cuộc khủng bố phong trào cách mạng 1930 - 1931 của thực dân Pháp và chính quyền tay sai rất dã man, nhằm tiêu diệt Đảng cộng sản Đông Dương. Cũng như ở nhiều địa phương khác trong cả nước, phong trào cách mạng ở Xuân Trường lâm vào bước thoái trào. Mặc dầu bị tổn thất nặng nề, Đảng vẫn tồn tại, giữ được liên hệ với quần chúng.

    Tháng 6-1932, trước tình hình mới, Ban lãnh đạo Trung ương của Đảng đã đưa ra Chương trình hành động nhằm khẳng định lại những mục tiêu chiến lược của Đảng là không thay đổi, song về phương châm, phương pháp và hình thức hoạt động phải được vận dụng cho sát hợp với tình hình. Chương trình hành động của Đảng đã kịp thời củng cố niềm tin và vạch ra phương hướng hoạt động cho các đảng viên trong thời kỳ tạm thời thoái trào.

    Quán triệt tinh thần bản Chương trình hành động của Đảng, Đảng bộ Xuân Trường nhận thức rõ nhiệm vụ cấp thiết lúc này là phải củng cố lại các chi bộ. Trong một thời gian tương đối dài, Đảng bộ mất liên lạc với cấp trên, các chi bộ ít có mối liên hệ với Huyện uỷ, do đó những nguồn thông tin cần thiết hầu như bế tắc. Nhưng đa số đảng viên còn trụ lại ở các địa bàn, đã gặp gỡ nhau ở những địa điểm bí mật, thông báo cho nhau về tình hình nội bộ, đồng thời tìm phương sách đối phó với kẻ thù, duy trì lực lượng cách mạng trong tình thế hiểm nghèo.

    Cũng từ năm 1932 - 1933, phong trào cách mạng của quần chúng ở Xuân Trường đã bắt đầu phục hồi. Năm 1933, nông dân Lạc Nghiệp (Xuân Trường) nổi dậy chống nạn sưu cao, thuế nặng. Cuộc đấu tranh rất quyết liệt, chính quyền địa phương cho lính đàn áp nhân dân và bắt đi một số người đưa lên tỉnh. Quần chúng biểu tình tiếp tục tranh đấu, nằm ra đường cản xe lính. Cuối cùng, chúng phải thả những người bị bắt và tuyên bố giảm cho mỗi suất đinh 0,50 đồng Đông Dương.

    Để khơi dậy tinh thần đấu tranh của quần chúng, đồng thời tạo điều kiện cho đảng viên ở các chi bộ khác có thể gặp nhau trao đổi ý kiến, chi bộ Lạc Nghiệp đã có sáng kiến phát động quần chúng đòi mở chợ phiên vào ngày Quốc tế Lao động (1-5-1933), chính quyền tay sai buộc phải chấp nhận. Chợ đã mở và họp được hai ngày. Tên phó lý Lạc Nghiệp biết rõ ẩn ý sâu xa của ta, đã báo với tri phủ Xuân Trường đem lính về ngăn cấm, giải tán, không cho nhân dân ta đến họp chợ nữa. Ngoài ra, chi bộ Lạc Nghiệp còn chủ trương phát động nông dân đấu tranh chống bọn địa chủ cường hào xâm phạm đến quyền lợi của dân, đòi chúng phải bãi bỏ các khoản phụ thu, lạm bổ, phải công khai thu thuế giữa đình làng, không được làm việc một cách lén lút. Nhân dân Lạc Nghiệp dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, tiếp tục đấu tranh vạch mặt bọn cường hào ăn hối lộ của bọn chủ thầu định xẻ đê Thanh Quan để thuyền bè ra vào, gây thiệt hại đến mùa màng của nông dân. Cuộc đấu tranh kiên quyết, có lý có lẽ buộc chúng phải dừng việc làm trên. Những cuộc đấu tranh nêu trên giành được thắng lợi làm cho nhân dân phấn khởi, nâng cao lòng tin vào Đảng.

    Thực hiện chủ trương của Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3 năm 1935) và Đại hội lần thứ 7 Quốc tế cộng sản (tháng 7-1935), Mặt trận phản đế Đông Dương được thành lập tháng 3 năm 1938 và đổi thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương (Mặt trận dân chủ Đông Dương) nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước, dân chủ, tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống cường quyền, áp bức và thực dân, phong kiến. Về hình thức và phương hướng đấu tranh, Đảng triệt để lợi dụng khả năng đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp, công khai và nửa công khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức giáo dục quần chúng và mở rộng phong trào đấu tranh của quần chúng.


Đền Chùa Tự Lạc, xã Thọ Nghiệp-nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên

của huyện Xuân Trường

    Đồng chí Đặng Xuân Thiều đã trở về Xuân Trường thúc đẩy hoạt động của phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương do Đảng cộng sản Đông Dương ở hai tỉnh Nam Định và Thái Bình chỉ đạo. Đồng chí Thiều đã tham gia Ban cán sự Đảng liên minh Nam Định – Thái Bình. Ban tỉnh ủy lâm thời Nam Định được thành lập vào tháng 5-1937, gồm các đồng chí Đặng Hữu Rạng, Đặng Xuân Thiều, Trần Hoạt, Bùi Minh Hách, Minh Lạng, do đồng chí Đặng Hữu Rạng làm Bí thư. Đồng chí Đặng Xuân Thiều cùng các đồng chí Nguyễn Xuân Lầm, Vũ Đức Âu, Vũ Văn Xứng từ mỏ,nhà máy trở về quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng, trao đổi ý kiến với các đảng viên ở địa phương về tình hình và nhiệm vụ trước mắt, dấy lên một cao trào đấu tranh mạnh mẽ ở địa phương với khí thế mới, phương thức hoạt động mới:

     Căn cứ vào tinh thần Nghị quyết của Trung ương Đảng và những chủ trương của tỉnh ủy lâm thời, Đảng bộ huyện Xuân Trường đã đề ra một số chủ trương mới
    
- Phát động phong trào quần chúng đấu trang chống bọn cường hào

địa chủ vi phạm những lợi ích thiết thân của nhân dân địa phương đã giành được trước đây.

    - Ra sức xây dựng và phát triển Đảng, trên cơ sở phong trào đấu tranh của quần chúng, sẽ lựa chọn những người ưu tú vào Đảng.
    
- Giáo dục ý thức và phương pháp đấu tranh cho quần chúng lúc này

là khác với những thời kỳ trước đây, trong khi tận dụng phương thức đấu tranh hợp pháp, không được xem nhẹ những cơ sở bí mật của Đảng.
    
Công tác củng cố và phát triển Đảng là một vấn đề quan trọng đối với Đảng bộ. Được sự giúp đỡ và hướng dẫn trực tiếp của đồng chí Phan Đình Khải (tức Lê Đức Thọ), Bùi Đức Minh và một số cán bộ của Tỉnh ủy, các cho bộ trở lại hoạt động tốt hơn. Một số đồng chí trước đây ở trong tình trạng “nằm im” hoặc mất liên lạc, sau khi kiểm tra lại các khâu cần thiết, đã trở lại sinh hoạt bình thường.
    
Công tác tuyên truyền, giáo dục đảng viên được Huyện ủy đặc biệt

quan tâm. Trong những năm 1938-1939, Huyện ủy đã tổ chức một cơ sở in ấn tài liệu tuyên truyền của Đảng đặt tại Lạc Nghiệp. Những tài liệu in ở đây được đem phân phát về cho các chi bộ. Nhiều truyền đơn, áp phích được mang đi rải ở các thôn xóm và các trục đường trong huyện. Một số lớp huấn luyện chính trị ngắn hạn do Huyện ủy tổ chức đã nâng cao hiểu biết, giác ngộ cách mạng cho đảng viên.
    
Dựa vào những chủ trương mới của cấp trên, các chi bộ đã tổ chức và

lãnh đạo nhiều tổ chức quần chúng hợp pháp như Hội nông dân, Hội tương tế, Hội tư vấn, Hội âm nhạc, Hội cầu phúc, Hội hiếu, Hội hỷ được phát triển ở Lạc Nghiệp, Đông An, Hạc Châu, Lạc Quần… Đặc biệt ở Đông An, Hạc Châu có phường nghề sản xuất thủ công nghiệp dệt vải. Các hội viên đã trích quỹ chung giúp đỡ lớp học truyền bá quốc ngữ, mua báo “Đời nay”, báo “Dân chúng” (những tờ báo của Mặt trận dân chủ) để nâng cao sự hiểu biết về thời sự, ý thức chính trị cho các hội viên.
    
Bên cạnh những hình thức đấu tranh công khai hợp pháp, các chi bộ

còn vận động đưa quần chúng vào những cuộc đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau,mang tính tổ chức, chính trị rõ rệt. Như cuộc đấu tranh của nông dân Lạc Nghiệp đòi Tri phủ Xuân Trường về tận đình làng chứng kiến việc thu thuế của bọn cường hào, hạn chế việc phụ thu, lạm bổ. Cuộc đấu tranh của nông dân ở Lạc Nghiệp buộc bọn hào lý phải trả số tiền công mà chúng đã biển thủ trong việc vét sông Trà Thượng…Nông dân các thôn xã Đông An, Thọ Vực, Xuân Bảng, Hạc Châu…cũng đứng dậy đấu tranh đòi bọn cường hào địa chủ phải trả lại ruộng công nà chúng đã lấn chiếm trái phép, chống phụ thu, lạm thu, đòi bọn hào lý phỉa chia lại công điền, công thổ cho hợp với lệ làng từ xưa tới nay và thực hiện cải cách nông thôn…

    Những hoạt động văn hóa cũng được đẩy mạnh. Các sách báo tiến bộ về truyền thống, lịc sử dân tộc như “Sự tích Lý Thường Kiệt chống quân Tống”, “Hoàng Hoa Thám chống Pháp, báo “Đời nay”…được lưu hành ở nhiều xã.

    Không chỉ quan tâm đến những cuộc đấu tranh vì quyền lợi địa phương, Đảng bộ còn lãnh đạo đảng viên và quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh toàn quốc và quốc tế như lấy ý kiến vào bản kiến nghị đòi chính quyền thực dân phải thả hết tù chính trị, chuẩn bi đưa yêu sách cho “phái đoàn Gôla”, quyên góp tiề giúp đỡ nhân dân Trung Quốc chống phát xít Nhật xâm lược…

    Đảng bộ cũng tham gia trên lĩnh vực đấu tranh nghị trường. Trong cuộc bầu cử nghị viện dân biểu Bắc Kỳ năm 1938. Đảng bộ đã vận động quần chúng nhân dân tẩy chay bỏ phiếu cho Nguyễn Thế Vinh, một tay sai của địch ứng cử ở Xuân Trường và tập trung bỏ phiếu cho Bùi Đức Mậu, tuy không phải là phần tử tiến bộ, cách mạng, nhưng không phản cách mạng lộ liễu như Nguyễn Thế Vinh. Kết quả Bùi Đức Mậu đã thăng cử.

    Phong trào cách mạng ở Xuân Trường trong nghững năm 1936-1937 là một cuộc vận động cách mạng sôi nổi và rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, và đã giành được thắng lợi to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội. Cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ này đã vũ trang cho Đảng bộ nhiều kinh nghiệm về việc xác định những mục tiêu trực tiếp và kẻ thù chủ yếu trước mắt, về tổ chức mặt trận thống nhất rộng rãi, về phối hợp hoạt động hợp pháp với hoạt động không hợp pháp, về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Đây là bước diễn tập cho cao trào cứu nước giành chính quyền về tay nhân dân tiếp sau (1939-1945).

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

 

Bản quyền thuộc UBND huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

Địa chỉ: Thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

Điện thoại: (0228)8870699.

Email nhận thư từ tỉnh: ubndhuyenxuantruong-namdinh@chinhphu.vn

Email nhận thư trong huyện: vpxuantruong.xtg@namdinh.gov.vn

 

                     image banner