image banner
Xuân Trường, những tiềm năng, lợi thế cho phát triển
Lượt xem: 4839
   Xuân Trường là huyện đồng bằng của tỉnh Nam Định, có diện tích tự nhiên trên 112 km2, dân số trên 19 vạn người, chiếm 6,8% về diện tích tự nhiên và 9,26% về dân số so với toàn tỉnh. Mật độ dân số 1696 người/km2.     Tọa độ địa lý: Kinh độ đông: 106017’ - 108025’; Vĩ độ bắc: 2005’ - 20024’.

 Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp sông Hồng (bên kia sông là huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình); Phía Nam giáp huyện Hải Hậu; Phía Đông giáp sông Sò (phía bên kia sông là huyện Giao Thuỷ): Phía Tây giáp sông Ninh Cơ (phía bên kia sông là huyện Trực Ninh).



    Nằm trên các trục giao thông quan trọng của tỉnh, quốc lộ 21B đi qua (dài 3,2 km) và tỉnh lộ 489 (dài 9,5 km), Đường 51A qua phà Sa Cao sang Thái Hạc, Vũ Thư, Thái Bình (dài 12,5km) nối liền Xuân Trường với tỉnh Thái Bình và vùng Đông Bắc của Tổ quốc, là huyện không xa với thành phố Nam Định, một trung tâm kinh tế, văn hoá, có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đẹp của tỉnh Nam Định, Xuân Trường là đầu mối giao thông về đường bộ, đường thuỷ hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội thuận lợi cho phát triển nền kinh tế hàng hóa, tạo điều kiện gắn Xuân Trường với các huyện trong tỉnh và mở rộng mối giao lưu kinh tế liên vùng trong tỉnh, vùng Đồng bằng Sông Hồng và cả nước.

ĐỊA hình và tài nguyên đẤT

    Xuân Trường được bao bọc bởi ba con sông lớn là sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Sò. Địa hình bằng phẳng, cốt đất từ 0,3 - 0,9m chia thành 2 vùng là vùng đất bãi và vùng trong đê. Nhìn chung địa hình Xuân Trường tương đối bằng phẳng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là trồng lúa đặc sản, trồng cây công nghiệp và sản xuất gạch ngói, xây dựng.


Mùa lúa mới trên đồng đất Xuân Trường

    Xuân Trường thuộc vùng đất phù sa mới của vùng đồng bằng sông Hồng (đất phù sa được bồi không gley hoặc gley yếu) được xếp vào hệ tầng Thái bình thuộc hệ thống Hô-Lô-Xen muộn (thời kỳ biển rút khỏi châu thổ sau khi đã lấp đầy trầm tích), chúng có dạng địa hình chung là bãi bồi thấp thuộc địa hình tích tụ, nhóm các bề mặt nằm ngang.

    Đất phù sa được bồi ven sông: diện tích l000 ha, phân bố thành dải theo các triền sông, dải đất này thường ngập nước vào mùa lũ, có khả năng trồng màu, cây công nghiệp vào mùa khô.

    Đất phù sa được bồi tụ, trung bình, ít chua: diện tích khoảng 7000 ha phân bố hầu hết ở các xã trên địa bàn huyện, có khả năng nuôi trồng thuỷ sản vùng nước lợ.

    Đất nhiễm mặn do ảnh hưởng của mạch ngầm có ở Xuân Vinh, Xuân Hòa, Xuân Trung diện tích khoảng 500 ha, có khả năng thâm canh lúa nước.

    Đất canh tác của huyện thuộc hệ phù sa trẻ sông Hồng tương đối ổn định và được bù đắp phù sa thường xuyên cho nên giàu dinh dưỡng và tầng canh tác dày. Thành phần cơ giới của đất chủ yếu là đất thịt nặng rất thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp nhất là cây lúa và cây ngắn ngày hàng năm.

Tài nguyên khí HẬU

    Huyện Xuân Trường nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm.  Nhiệt độ trung bình năm khoảng 290C, tháng thấp nhất có nhiệt độ khoảng 6,80C, tháng cao nhất khoảng 39,50C. Tổng tích ôn từ 85500C-86500C; Cho phép gieo trồng 2-3 vụ cây ngắn hạn trong năm.

Tổng số giờ nắng trong năm dao động khoảng từ 1600 - 1700 giờ vụ hè thu có giờ nắng cao nhất chiếm khoảng 70% số giờ nắng trong năm.

    Năm mưa cao nhất 2754mm; năm mưa thấp nhất chỉ đạt 978mm. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1750 - 1800mm được chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10; mùa ít mưa bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

    Độ ẩm độ không khí bình quân năm khoảng 80 - 85%; độ ẩm cao tuyệt đối 93% và độ ẩm thấp tuyệt đối là 34%.

    Hướng gió chủ yếu là hướng Đông - Bắc, Đông - Nam với tốc độ bình quân 3-5m/s.

Nằm trong vành đai khí hậu của khu vực Vịnh Bắc Bộ nên thường xảy ra bão lớn gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.

Tài nguyên nƯỚC

    Nguồn nước mặt: Xuân Trường là huyện có mạng lưới sông bao bọc với 3 con sông lớn và hàng trăm kilômét (km) kênh mương khác và hệ thống các ao hồ trong huyện. Tổng lượng nước hàng năm trên địa bàn huyện Xuân  Trường rất lớn, song phân bố khá đều trong năm nên rất thuận lợi cho xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư. Nước lợ tập trung chủ yếu ở hạ lưu sông Sò có thể khai thác để nuôi trồng thuỷ sản.


Sông Ninh Cơ

    Nước ngầm: Theo tài liệu điều tra của Đoàn địa chất vùng đồng bằng Sông Hồng thì tỉnh Nam Định nói chung và huyện Xuân Trường nói riêng có tổng lượng nước ngầm lớn, mức độ nông sâu và chất lượng tốt cũng biến đổi khác nhau theo các tầng sâu, có thể khai thác lớn phục vụ cho sản xuất và đời sống.

Tài nguyên khoáng sẢN

    Qua tài liệu thu thập được có thể đánh giá khoáng sản trên địa bàn huyện Xuân Trường nghèo về chủng loại và ít về số lượng, chỉ có một số khoáng sản phi kim loại có thể khai thác phục vụ cho phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng ở địa phương như:

    Đất làm gạch ngói nằm rải rác khu vực bãi ven sông Hồng và sông Ninh Cơ, trữ lượng đạt hàng chục triệu tấn có thể khai thác nhiều năm để sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là gạch ngói. Các mỏ cát xây dựng tập trung ven sông Hồng và sông Ninh Cơ với chiều dài hơn 20km được bồi tụ thường xuyên, đây là nguồn nguyên vật liệu lớn làm vật liệu xây dựng. Hàng năm cát xây dựng khai thác khoảng 100 ngàn m3/năm. Nguồn đất làm gạch ngói tập trung chủ yếu ở Xuân Hồng, Xuân Ninh, Xuân Châu... Riêng ở Sa Cao (Xuân Châu) trữ lượng khoảng 5 - 10 triệu tấn.

    Khoáng sản cháy: Dầu mỏ và khí đốt đã được thăm dò có ở khu vực xã Xuân Hồng, Xuân Thuỷ tuy nhiên trữ lượng ít. Khả năng đầu tư khai thác hiệu quả thấp.

Tài nguyên du lỊCH

    Xuân Trường có nhiều di tích lịch sử văn hoá được Nhà nước xếp hạng có thể phục vụ cho việc tham quan du lịch và nghiên cứu lịch sử, văn hoá như:

    + Quần thể lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại Thị trấn Xuân Trường và xã Xuân Hồng.

    + Trên địa bàn huyện hiện có 29 di tích lịch sử, văn hóa được nhà nước công nhận và xếp hạng, trong đó nổi bật là khu di tích lịch sử văn hoá chùa Keo tại làng Hành Thiện xã Xuân Hồng hàng năm tại đây mở lễ hội với nhiều hoạt động văn hoá thể thao phong phú mang đậm nét bản sắc văn hoá dân tộc vùng châu thổ sông Hồng và thu hút lượng khách lớn về vãn cảnh chùa.


Ngôi nhà trong Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh

    + Khu nhà thờ Bùi Chu xã Xuân Ngọc và Tiểu Vương cung Thánh đường Phú Nhai ở xã Xuân Phương là trung tâm đạo thiên chúa giáo lớn của cả nước, với các kiểu kiến trúc độc đáo là điều kiện thuận lợi để hình thành các điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Dân sỐ và nguỒN lao đỘNG

    Dân số: Năm 2010 dân số của huyện là trên 19 vạn người với khoảng gần 45 ngàn hộ. Tốc độ tăng dân số bình quân khoảng 1,09%/ năm ở thời kỳ 2002-2007. Mật độ dân số trung bình toàn huyện là 1.696 người/km2, cao hơn mật độ dân số chung toàn tỉnh.

    Nguồn lao động: Cho đến nay dân số trong độ tuổi lao động khoảng 88,5 ngàn người, chiếm 50% dân số toàn huyện. Lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân là hơn 94 ngàn người. Nguồn lao động trẻ, có trình độ văn hoá, cần cù trong lao động, hiếu học, nhiều lao động có tay nghề cao, nếu thường xuyên bồi dưỡng đào tạo và sử dụng hợp lý sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển nguồn nhân lực của huyện trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tuy vậy, lao động nông nghiệp còn chiếm một tỷ trọng lớn, khoảng 72%. Tính bình quân trên 1ha canh tác có 8,13 lao động - đây là một vấn đề lớn, bức xúc về giải quyết việc làm, đòi hỏi phải có sự quan tâm của tất cả các ngành trên địa bàn và cần phải đầu tư để phát triển ngành công nghiệp - TTCN và các ngành nghề khác để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn - nhằm nâng cao đời sống cho nông thôn nói riêng và toàn huyện nói chung.

LỢI THẾ phát triỂN

cỦA Xuân TrƯỜNG

    Nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Bắc bộ, có hệ thống đường sông và đường bộ thuận lợi nên Xuân Trường có điều kiện mở rộng giao lưu và phát triển kinh tế liên vùng, liên huyện với bên ngoài.

    Mặt khác, điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, khí hậu thời tiết ôn hoà, nắng mưa điều hoà quanh năm, là điều kiện thuận lợi để Xuân Trường phát triển nhiều loại cây trồng nhiệt đới, vật nuôi đa dạng đạt năng suất và chất lượng cao thích ứng với thị trường trong và ngoài nước.

    Nhân dân trong huyện có truyền thống cách mạng, cần cù trong lao động, có truyền thống hiếu học và tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Lực lượng lao động dồi dào, trẻ khoẻ, một bộ phận lớn lao động có trình độ văn hóa sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hợp tác kinh tế quốc tế.

    Kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội cùng với cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có xếp vào loại khá của tỉnh Nam Định như mạng lưới giao thông, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước mạng lưới thông tin liên lạc, giáo dục, y tế... Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi tạo đà cho Xuân Trường phát triển nhanh hơn nữa cả về kinh tế - xã hội, môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng trong những năm tới.

    Có nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có nhiều ngành nghề phát triển với tốc độ nhanh, góp phần tăng thu nhập và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn. Hiện Xuân Trường với những làng nghề truyền thống có uy tín như: Làng Cơ khí Xuân Tiến, làng trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ Xuân Hồng; Vận tải thủy Xuân Trung; Chế biến lâm sản Xuân Bắc; Sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu cói Xuân Ninh; Sản xuất gạo tám thơm Xuân Đài.

    Cùng với những làng nghề truyền thống, hiện nay trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp tập trung đó là: Cụm CN trung tâm huyện 20ha; Cụm CN Cơ khí Xuân Tiến 15ha; Cụm CN sửa chữa đóng mới tàu thủy vùng bãi Xuân Ninh, thị trấn Xuân Trường 16ha; Cụm CN Xuân Châu 70ha; Cụm CN sản xuất vật liệu xây dựng, sửa chữa đóng mới tàu thủy Xuân Tân 50ha.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

 

Bản quyền thuộc UBND huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

Địa chỉ: Thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

Điện thoại: (0228)8870699.

Email nhận thư từ tỉnh: ubndhuyenxuantruong-namdinh@chinhphu.vn

Email nhận thư trong huyện: vpxuantruong.xtg@namdinh.gov.vn

 

                     image banner