Kể cũng thật thú vị khi
chúng ta được biết, tại ngôi làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định
với truyền thống trên 600 năm tồn tại, nơi đây đã sinh ra biết bao người con ưu
tú và trở thành mảnh đất khoa bảng nổi tiếng của cả nước.
Nó không chỉ có ở thời cổ
xưa mà cả hôm nay. Đúng như cố Giáo sư Vũ Khiêu từng viết về quê hương ông:
"Việc học hành đất
dưỡng thông minh/ Đường khoa bảng trời ban tài trí
Đã nhiều tiến sĩ, cử
nhân/ Lại lắm giáo sư, viện sĩ
Nay toàn cầu vào cuộc đua
tranh /Lúc nhân loại gặp thời trí tuệ
Có học thì dân trí cao
thăng/ Không học thì dân sinh tồi tệ
Hãy học sao trị quốc, an
dân/ Hãy học để kinh bang tế thế..."
Và chỉ mới 15 khóa Quốc hội,
làng này đã có đến 12 vị có quê là làng Hành Thiện là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Chúng ta hãy thử điểm qua:
1. Cố Tổng Bí thư Trường
Chinh (1907-1988) là người con kiệt xuất của Làng Hành Thiện đã có đóng góp rất
to lớn với đất nước
Nguồn ảnh: Danviet.vn
Ông từng là ĐBQH 7 khóa
liên tiếp, từ khóa II đến khoá VIII.
Ông là nhà lãnh đạo kiệt
xuất của cách mạng Việt Nam với 3 lần được đảm nhận cương vị Tổng Bí thư qua 3
tên gọi khác nhau: TBT Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1941); TBT Đảng Lao động
Việt Nam (năm 1951) và TBT Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 7/1986) thay TBT Lê Duẩn
lâm bệnh qua đời.
Ở cương vị này, ông đã trở
thành vị Tổng công trình sư của sự nghiệp Đổi mới.
Ông từng giữ cương vị Tổng
Bí thư Đảng suốt 15 năm cho đến 1956. Sau đó, ông xin từ chức vì trách nhiệm của
người được trao nhiệm vụ (cùng với một số đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung
ương) mắc phải những sai lầm trong công tác tổ chức và triển khai Cải cách ruộng
đất. Rồi 4 năm sau đó, ông vẫn tín nhiệm được bầu lại làm Uỷ viên Bộ Chính trị,
Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (cũng 16 năm giữ trọng trách này). Năm 1976,
khi Việt Nam thống nhất, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước
CHXHCN Việt Nam và ở cương vị này cho đến tận Đại hội Đảng IV (1986) mới nghỉ cả
hai trọng trách TBT và Chủ tịch HĐNN để làm Cố vấn BCH Trung ương Đảng. Ông được
Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng...
Ông từng được phân công
làm Chủ tịch Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban soạn
thảo Cương lĩnh chính trị của Đảng...
Nhiều cán bộ cấp cao của Đảng
Cộng sản Việt Nam và các học giả trong nước luôn đánh giá cao ông, là người có
nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng cho dù trong cải cách ruộng đất
(CCRĐ) có sai lầm nhưng điều quan trọng là ở chỗ ông rất có bản lĩnh, dám chịu
trách nhiệm và xin từ chức.
Đóng góp quan trọng nhất
của ông và cũng bất ngờ nhất là đề ra sách lược cho công cuộc Đổi mới, đưa ra
trình Đại hội VI vào năm 1986. Từ đó, đất nước ta đã vượt qua thử thách, vững
bước đi lên...
2. ĐBQH khoá I, II Đặng
Xuân Thiều (1909-1965) khi hoạt động cách mạng tại Hải Phòng
Nguồn ảnh: Danviet.vn
Gia nhập Việt Nam Thanh
niên cách mạng đồng chí Hội từ đất cảng Hải Phòng, ông Đặng Xuân Thiều trở
thành Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương ngay từ khi thành lập. Ông là một
trong số các uỷ viên Thành uỷ đầu tiên của Hải Phòng năm 1930.
Ông đã đi vào phong trào
cộng sản hóa để vận động công nhân giác ngộ trong hãng đóng tàu Sôva, nhà máy
Quảng Sinh Long, nhà máy Carông, hãng buôn Sáp phăng-giông...
Ông cũng là người từng viết
cho báo Đồng Lòng, Tranh đấu, Dân cày và các tờ báo của công đoàn và Đảng bộ Hải
Phòng lưu hành bí mật thời đó.
Sau hòa bình 1954, ông Đặng
Xuân Thiều làm Bí thư Đảng đoàn Bộ Văn hóa (ngang Thứ trưởng Bộ nhưng phụ trách
công tác Đảng, tổ chức của ngành văn hóa. Lúc này do Bộ trưởng Văn hóa là GS
Hoàng Minh Giám một nhân sĩ trí thức. Ông là Phó Tổng thư ký Trung ương Đảng Xã
hội Việt Nam. Vì thế nên công tác Đảng được trao cho ông Thiều mà lẽ ra, như
bây giờ thì chức Bí thư Đảng đoàn Bộ phải do Bộ trưởng nắm).
Giai đoạn dài này ông
kiêm Viện trưởng Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Ông là một nhà thơ cách mạng
tiêu biểu. Cũng như một số nhà thơ cách mạng khác như: Tố Hữu, Sóng Hồng, Xuân
Thuỷ, Lê Đức Thọ, Trần Huy Liệu... Đặng Xuân Thiều có mảng thơ viết trong nhà
tù đế quốc (17 bài) rất giá trị. Một số bài thơ như: Bất chợt, Đêm ngục, Nghiêm
Thượng Biền, Vè tướng chuột... là viết trong nhà giam của Sở mật thám và nhà tù
Hải Phòng. Thơ viết trong tù của Đặng Xuân Thiều có nhiều bài thơ vượt ra ngoài
khuôn khổ của một bài thơ ghi việc, ghi sự đời theo kiểu tức sự nói trí, tự hào
thường gặp một thời. Ông từng nhiều lần bị bắt giam, tù đày có lần với
mức án chung thân. Ông đã nhiều lần vượt ngục thắng lợi, tỏ rõ là một chiến sĩ
cách mạng trung kiên. Ông vinh dự được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí
Minh (2010).
3. ĐBQH khoá I, Đại
tá Trương Trung Phụng (1908-1982)
Nguồn ảnh: Danviet.vn
Ông từng sang Trung Quốc
rồi làm con nuôi Thiếu tướng Trương Bội Công của Quốc dân Đảng. Theo tư liệu
thì ông Trương Trung Phụng hoạt động cho Biện sự xứ Việt - Minh thuộc tỉnh Tĩnh
Tây, Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau đó ông
Trung Phụng có nhiều quan điểm không còn theo người cha nuôi mình mà có hướng ủng
hộ cách mạng trong nước. Nghe thông tin này, Bác Hồ đã tìm hiểu kỹ rồi cử ông
Dương Hoài Nam (tức Võ Nguyên Giáp) sang Trung Quốc thuyết phục, vận động ông
Phụng về nước nhưng theo kế sách của Bác. Khi đưa vào danh sách bầu ĐBQH tại Hải
Phòng, Bác Hồ đã có ý sau khi bầu, nếu trúng cử sẽ để ông Trung Phụng giữ chức
Bộ trưởng Quân huấn (hay Quân lực) trong Chính phủ. Đây cũng mới chỉ là dự kiến
của Bác Hồ thôi. Trong 1 bức thư gửi tướng Trần Tu Hòa thì Bác có cho biết danh
sách dự kiến các Bộ trưởng trong Chính phủ Liên hiệp, trong đó có ông Trương
Trung Phụng như vậy.
Năm 1946, ông Trung Phụng
đảm trách chức Hiệu trưởng Trường Bổ túc quân sự đến 1948 với bí danh Trần Hưng
Nghĩa. Hiện chưa xác minh được tên khai sinh của ông là gì.
Sau này, ông chuyên về giảng
dạy, đào tạo trong quân đội. Ông mất năm 1982 tại TP HCM .
4. ĐBQH khoá V, VI Đặng
Kinh (1922 - 2019). Trung tướng, nguyên phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân
dân Việt Nam
Nguồn ảnh: Danviet.vn
Ông được tặng Huân chương
Hồ Chí Minh năm 1994 và rất nhiều huân chương cao quý khác trong các cuộc kháng
chiến.
Vừa qua, ông được Hội đồng
Thi đua Khen thưởng Trung ương xem xét, thông qua để trình Chủ tịch nước ký Quyết
định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AH LLVTND)
thời kỳ chống Pháp trong thời gian tới.
Ông từng là Tư lệnh Quân
khu Tả Ngạn, Tư lệnh Quân khu Trị Thiên Huế, Tư lệnh Quân khu 3.
Một điều thật thú vị là vừa
qua, làng Hành Thiện chỉ trong cùng một đợt Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung
ương xét tặng và truy tặng danh hiệu AH LLVTND trình Chủ tịch nước ký trong thời
gian tới khi cả nước chỉ có 2 cá nhân được Hội đồng xem xét thành tích trong
kháng chiến chống Pháp thì cả hai ông Đặng Kinh và ông Đặng Quân Thuỵ (nguyên
Phó Chủ tịch Quốc hội) đều là Trung tướng, đều là người làng Hành Thiện, đều từng
là Tư lệnh Quân khu, cùng từng là ĐBQH( khác khoá) và cùng là lão thành cách mạng....
5. Thiếu tướng, Giáo sư,
Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Gia Triệu (1918-1990), ĐBQH Khoá
VI, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Nguồn ảnh: Danviet.vn
Ông là một bác sĩ đầu
ngành về phẫu thuật thần kinh của nước nhà. Ông được phong
là Thầy thuốc Nhân dân, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và rất nhiều huân chương
khác trong chiến đấu. Giải thưởng Nhà nước năm 2000 về khoa học công nghệ.
Năm 1967, ông có vinh dự
là vị bác sĩ quân y đầu tiên của LLVTND ta được tuyên dương Anh hùng.
6. Cố Bộ trưởng Y tế, Tiến
sĩ, Bác sĩ Đặng Hồi Xuân (1929-1988), ĐBQH khoá VII
Nguồn ảnh: Danviet.vn
Ông trưởng thành từ một y
sĩ theo kháng chiến chống Pháp rồi trở thành bác sĩ và là một giám đốc bệnh viện
lớn tại Hải Phòng...
Ông bảo vệ Tiến sĩ Y khoa
tại Séc (Tiệp Khắc cũ) khi đang là Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp Hải
Phòng. Ông từng là Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng rồi làm Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị).
Ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ.
Ông bị tử nạn trong một vụ
tai nạn máy bay trên một chuyến đi công tác nước ngoài sau 6 năm giữ trọng
trách Bộ trưởng Y tế... Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng
Nhì.
7. ĐBQH khóa VIII, Phó
Giáo sư Đặng Quốc Bảo, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng
Nguồn ảnh: Danviet.vn
Ông sinh năm 1927. Ông là
em ruột của nhà cách mạng Đặng Xuân Thiều - ĐBQH khóa I, nguyên Uỷ viên Trung
ương Đảng khoá IV, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
(1976-1982).
Năm 1955, ông đã được bổ
nhiệm là Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị và có thời gian là Bí thư (Thư ký
riêng) của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi Đại tướng làm Chủ nhiệm Tổng cục
Chính trị.
Ông nguyên là Chính ủy
kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân
sự). Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 1974 và đã được Chủ tịch nước
tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Như vậy là cả anh em ông đều được trao tặng
Huân chương cao quý Hồ Chí Minh.
8. ĐBQH Đặng Quân Thuỵ
(khoá VIII, IX, X), nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội
Nguồn ảnh: Danviet.vn
Ông sinh năm 1928. Khi là
Phó Chủ tịch Quốc hội ông còn kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của
Quốc hội (khóa IX) khi Uỷ ban này vừa thành lập. Ông từng là phái viên tác chiến
của Bộ tổng Tham mưu tại Mặt trận Điện Biên Phủ.
Nguyên là Tư lệnh Binh chủng
Hóa học, nguyên Tư lệnh Quân khu 2, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến
binh Việt Nam nhiệm kỳ III (2002 - 2007) sau khi thôi giữ trọng trách tại
Quốc hội nhưng vẫn được các cấp hội Cựu chiến binh cả nước tín nhiệm bầu giữ chức
Chủ tịch Hội nói trên.
Ông được trao tặng Huân
chương Sao Vàng năm 2009 và vừa qua được Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung
ương xem xét, thông qua, đang trình Chủ tịch nước ký Quyết định tuyên dương AH
LLVTND thời kỳ chống Pháp trong một ngày gần đây. Ông còn được tặng rất nhiều
huân chương cao quý khác trong chiến đấu và công tác.
9. Giáo sư, Tiến sĩ Khoa
học Đặng Vũ Minh (ĐBQH khoá XI, XII). Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng khóa VIII,
IX, X, nguyên Uỷ viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ,
Môi trường của Quốc hội khoá XI
Nguồn ảnh: Danviet.vn
Ông sinh năm 1946 trong một
gia đình trí thức lớn. Là một Nhà Hóa học Việt Nam và được bầu
làm Viện sĩ khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Ông nguyên
là Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; nguyên Chủ tịch Liên hiệp các
Hội KHKT Việt Nam (VUSTA ).
Ông tham gia Quốc hội là
bởi còn đại diện cho giới trí thức với cương vị là người đứng đầu của cả một lực
lượng các nhà khoa học kỹ thuật và công nghệ đất nước. Đồng thời, ông còn là điển
hình cho một chính sách dùng người tài mang tinh thần đại đoàn kết dân tộc của
Đảng ta.
Ông xuất thân trong một
gia đình quyền quý, cả hai bên nội ngoại đều là trí thức lớn, gia đình quan lại
phong kiến, địa chủ nhưng có tinh thần dân tộc và yêu nước.
Ông đã được tặng thưởng
Huân chương Độc lập hạng Nhất; Giải thưởng Nhà nước về khoa học và
Công nghệ năm 2005.
10. Cố Giáo sư, Tiến sĩ
Khoa học Đặng Đức Trạch (1930- 2004- ĐBQH khoá XI)
Nguồn ảnh: Danviet.vn
Ông là một nhà nghiên cứu
vaccine hàng đầu của Việt Nam với nhiều sáng kiến rất Việt Nam khi nước nhà còn
trăm bề khó khăn trong nghiên cứu khoa học y dược. Ông được truy tặng danh hiệu
AHLÐ thời kỳ Ðổi mới năm 2006. Ông là Thầy thuốc Nhân dân, nhận Giải thưởng Nhà
nước về khoa học công nghệ (năm 2000) do có đóng góp to lớn và để lại cho nền Y
học Việt Nam 95 công trình khoa học.
GS. TSKH Đặng Đức Trạch
nguyên là Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Y Dược học
Đông Nam Á. Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương, nhà nghiên cứu và
sản xuất nhiều vaccine nổi tiếng của nước nhà.
11. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban
Văn hoá Giáo dục Quốc hội Đặng Xuân Phương, ĐBQH khoá XIV, XV. Ông sInh năm
1974
Nguồn ảnh: Danviet.vn
Tiến sĩ Luật học Đặng
Xuân Phương từng làm Phó Trưởng Ban Công tác ĐBQH (khoá XIV); nguyên Phó Viện
trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy
viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam -
Brunei, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Marốc.
12. ĐBQH Đặng Thị Phương
Thảo (khoá XIV), sinh năm 1984. Khi tham gia Quốc hội là giáo viên Toán của trường
THPT
Nguồn ảnh: Danviet.vn
Là một nữ cán bộ quản lý
giáo dục, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
của Quốc hội khoá XIV, cựu Giáo viên Trường THPT Giao Thủy, tỉnh Nam Định
rồi Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, tỉnh Nam Định. Hiện nay bà đang
công tác tại Công đoàn Giáo dục Việt Nam thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam.
Làng Hành Thiện có lẽ
cũng thuộc dạng "xưa nay hiếm" khi có các cá nhân được tặng và truy tặng
các danh hiệu cao quý của Nhà nước cho Xã và cho cá nhân như danh hiệu:
Tập thể: Ðảng bộ và nhân
dân Xã Xuân Hồng, đơn vị Anh hùng LLVT ND thời kỳ chống Pháp
Cá nhân:
Huân chương Sao Vàng: 2 vị
(là cố TBT Trường Chinh và nguyên phó Chủ tịch Quốc hội Ðặng Quân Thuỵ); Huân
chương Hồ Chí Minh 3 vị: Ông Đặng Kinh, ông Đặng Xuân Thiều và ông Đặng Quốc Bảo
.
AH LLVTND: 3 vị ;
(Vừa qua còn được Hội đồng
Thi đua Khen thưởng Trung ương thông qua, đang trình Chủ tịch nước ký truy tặng
và trao tặng danh hiệu AHLLVT cho 2 Trung tướng Đặng Kinh và Trung tướng Đặng
Quân Thuỵ trong dịp tới )
AHLÐ thời kỳ Ðổi mới: 2 vị;
Đại biểu Quốc hội: 12 vị
;
Uỷ viên Bộ Chính trị và Uỷ
viên Trung ương Đảng qua các thời kỳ: 6 vị ;
Đại biểu QH qua các thời
kỳ 12 vị ;
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng:
14 mẹ;
Giải thưởng Hồ Chí Minh:
4 vị;
Giải thưởng Nhà nước: 5 vị,
Thày thuốc Nhân dân: 5 vị,
Nhà giáo Nhân dân
:9 vị ;
Nghệ sĩ Nhân dân: 1
vị ...
Làng Hành Thiện thật tự
hào khi trong suốt chiều dài của lịch sử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, qua 15 nhiệm kỳ thì
người làng Hành Thiện đã có 12 ĐBQH.
Đó là chưa kể, do từng thời
điểm bầu cử Quốc hội, có thể do tiêu chí chọn lựa mỗi một nhiệm kỳ có khác nhau
cho nên cũng có khi, có thể là đến cấp Uỷ viên Trung ương Đảng họ cũng không nhất
thiết sẽ được chọn tham gia Quốc hội. Và thực tế thì Quốc hội của chúng ta cũng
không phải là nơi tập hợp những người giỏi nhất, tài năng nhất hội tụ lại mà nó
còn là nơi tập hợp những đại diện cho mọi giai tầng xã hội, những ngành nghề
tiêu biểu có số động lao động, những tinh tuý cho giới...
Vì thế, làng Hành Thiện
trước đây còn có thêm 2 vị uỷ viên Trung ương Đảng khác nữa như cố GS Đặng Xuân
Kỳ (1931-2010 ), nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay đổi là
Viện Hàn lâm KHXH VN), nguyên Viện trưởng Viện Mác - Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí
Minh và Tiến sĩ Đặng Vũ Chư, (sinh năm 1940), nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp
và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ. Họ đều có phẩm chất xứng đáng và trình độ cao,
nhưng cũng không nhất thiết được tham gia Quốc hội.
Một ngôi làng cổ kính như
Hành Thiện thật là đặc biệt. Nếu ta biết rằng, làng này từng có 2 lần vua đặt
tên, có vài lần phải di dời do địa lý của vùng đất bãi bồi thuộc đồng bằng sông
Hồng luôn bị sạt lở rồi từng nhiều lần phải đổi tên... Song, lần đổi tên gần nhất
thì cách nay vừa tròn 200 năm. Đó là vào năm 1823, đích thân vua Minh Mạng đã đặt
cho làng Hành Cung Trang một cái tên mới đầy ý nghĩa: làng Hành Thiện. Thật tự
hào khi ngôi làng cổ vùng Đồng bằng Bắc bộ ấy đã luôn biết phát huy truyền thống
cần cù lao động, hiếu học và khoa bảng để có được những thành công như hiện tại.
Điều đó quả là" xưa nay hiếm" ở nước ta. Nó rất đúng với những câu ví
"Bắc Hà ,Hành Thiện/ Hoan Diễn, Quỳnh Đôi "hoặc "Đông : Cổ Am/
Nam: Hành Thiện" để nhắc tới những mảnh đất địa linh nhân kiệt của đất nước
ta.
Nguồn: Danviet.vn