image banner
Lãnh tụ Trường Chinh - Người con của quê hương Nam Định
Lượt xem: 9013
Ngày 9 - 2 - 2007, kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trường Chinh. Đây là một mốc thời gian quan trọng, trăm năm mới có một lần. Quê hương Nam Định cùng với cả nước đã long trọng tổ chức ngày tưởng niệm đồng chí, đánh giá đúng công lao của đồng chí đối với Tổ quốc và đồng bào. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và chấn hưng đất nước. Đồng chí là người mở đầu cho sự nghiệp đổi mới của đất nước ta ngày nay.
 Cuộc đời của đồng chí, những tư tưởng và hành động sáng ngời của đồng chí vẫn tiếp tục là những bài học quý giá cho toàn dân ta cũng như cho quê hương Nam Định hôm nay và ngày mai.

    Sự thành công của quê hương trên mọi lĩnh vực kinh tế và văn hoá gắn liền với những tư tưởng cách mạng, những quan điểm lý luận sáng suốt, sắc bén mà đồng chí đã cống hiến cho Đảng ta và nhân dân ta. Tấm gương của đồng chí, một trí thức chân chính trong quá trình học tập, tự rèn luyện và tư duy sáng tạo trong mọi hoạt động là sự cổ vũ to lớn đối với toàn thể nhân dân, nhất là với thế hệ trẻ ngày nay.

    Đứng về phía quê hương, lãnh đạo tỉnh cùng đông đảo cán bộ và trí thức Nam Định nhận rõ sự cấp thiết phải gấp rút tiến hành việc nghiên cứu, giới thiệu và học hỏi đồng chí Trường Chinh về mọi mặt.

    Những ngày này, nhân dân Nam Định vừa chia sẻ tinh thần ngưỡng mộ của toàn quốc đối với đồng chí Trường Chinh, vừa dành những tình cảm sâu sắc và niềm tự hào đối với quê hương nơi đồng chí Trường Chinh đã sinh ra, lớn lên để trở thành người con ưu tú của dân tộc, xứng đáng với truyền thống anh hùng và văn hiến của Việt Nam, xứng đáng với những phẩm chất đặc thù của quê hương Nam Định.

Quê HƯƠNG

VỚI ĐỒNG chí TRƯỜNG CHiNH

    Nói tới truyền thống Nam Định trước hết là nói tới Hào khí Đông A. Đồng chí Trường Chinh chính là người con của Hào khí Đông A ấy.

    Hào khí Đông A là danh xưng phản ánh lòng yêu nước mãnh liệt, khí phách kiên cường và tinh thần sáng tạo của sự nghiệp các vua Trần, những người con của quê hương Nam Định đã cùng các tướng lĩnh kiệt xuất và nhân dân Việt Nam anh hùng ba lần đánh tan quân Mông - Nguyên và cùng nhau xây dựng một đất nước hùng cường, bền vững.

    Truyền thống Nam Định không chỉ bắt nguồn từ Hào khí Đông A. Di tích lịch sử rải ra khắp nơi trên quê hương Nam Định như còn phảng phất hình bóng của ông cha ngay từ những ngày đầu dựng nước. Thần phả tại các đền miếu, truyện dã sử trong dân gian còn ghi nhận những truyền thống tốt đẹp của Nam Định từ thời xa xưa. Những di sản còn lưu lại tại nhiều làng thuộc Nam Định như vẫn thường xuyên nhắc nhở sự nghiệp của Hai Bà Trưng, của Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục... Các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm qua các triều đại Lý, Trần, Lê trên mảnh đất Nam Định này vẫn luôn luôn gợi lên những suy nghĩ lớn lao và ý chí mãnh liệt của bao thế hệ thanh niên kế tiếp nhau trong lịch sử.

    Hào khí Đông A tiêu biểu cho thời kỳ rực rỡ nhất trong sự nghiệp anh hùng của quê hương Nam Định với những tên tuổi bất diệt của các vua: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, của những nhân vật kiệt xuất như: Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật.

    Cùng với truyền thống anh hùng là truyền thống văn hiến của Nam Định.

Về Phật giáo, đó là những vị thiền sư tiêu biểu cho Phật học Việt Nam như Dương Không Lộ (1016 - l094) và Lý Giác Hải (1022 - ?)...

    Về Nho giáo phải kể đến một thiếu niên thần đồng là Nguyễn Hiền (1235 - 1255), mới 13 tuổi đã đỗ trạng nguyên, đứng trên hai người cùng khoa nổi tiếng là Bảng nhãn Lê Văn Hưu và Thám hoa Đặng Ma La. Ông mất khi mới 20 tuổi, sau 7 năm giữ chức Ngự sử đài kiêm Đông các đại học sĩ. Ông đã có nhiều kế sách hay để phò vua giúp nước. Ông là một tấm gương có một không hai về học giỏi đỗ cao ngay thời kỳ còn niên thiếu.

    Tiêu biểu cho truyền thống văn hiến của Nam Định và cũng cho nền văn hiến của Việt Nam còn là những đại trí thức như: Trạng nguyên Đào Sư Tích, Trạng nguyên Lương Thế Vinh và Tam nguyên Trần Bích San.

    Đặc biệt là Lương Thế Vinh (1441 - 1496), quê xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản. Ông cùng với Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận là những ngôi sao sáng dưới thời Lê Thánh Tông. Ông là người uyên bác cả Nho học và Phật học, lại là người xây dựng ra ngành toán học Việt Nam.

    Tiếp nối tinh thần hiếu học nói trên, đất Nam Định trong mọi thời kỳ đều sản sinh ra những nhà văn hoá lớn làm vẻ vang cho đất nước và cho quê hương.

    Từ ngày thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, Nam Định lại nổi lên với rất nhiều nhà yêu nước vừa anh hùng, vừa văn hiến từ thế hệ này qua thế hệ khác.

    Trước hết nói về tấm gương của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Ngay khi quân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng (1858) và đánh vào Gia Định (1859), Phạm Văn Nghị đã dâng sớ lên vua Tự Đức bày tỏ nguyện vọng quyết tâm kháng chiến của sĩ dân Nam Định và đề nghị cho phép ông lập một đội nghĩa binh vào chiến trường đánh giặc. Đội nghĩa binh của Phạm Văn Nghị gồm tất cả 365 người, ngày 22 - 2 - 1860 xuất phát và ngày 21 - 3 - 1860 tới Huế. Lúc đó quân Pháp đã rút khỏi Đà Nẵng nhưng Phạm Văn Nghị cùng nghĩa quân vẫn xin triều đình cho vào Nam đánh giặc. Tuy nguyện vọng chính đáng này không được vua Tự Đức chấp thuận nhưng tấm lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm của Phạm Văn Nghị và nghĩa quân đã gây một tiếng vang rất lớn trong toàn quốc và nuôi dưỡng một tinh thần chiến đấu bất khuất của nhân dân Nam Định.

    Nhân dân Nam Định ngày càng thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất nhất là từ khi giặc Pháp kéo quân đánh chiếm Hà Nội và các tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Phạm Văn Nghị cùng một số quan chức và sĩ phu yêu nước, nhân dân Nam Định đã kiên cường chống Pháp qua hai lần chúng đánh thành Nam Định và tiếp tục chiến đấu cho đến ngày không còn một tên xâm lược nào trên đất nước ta.

    Trường Chinh ra đời và lớn lên trên mảnh đất Nam Định khi truyền thống yêu nước, trí tuệ và anh dũng từ bao đời vẫn còn rạo rực trong lòng mỗi con người của quê hương. Ông không chỉ là người con của Nam Định mà còn là người con của một dòng họ yêu nước và hiếu học, của một làng nổi tiếng là làng văn hiến. Đó là dòng họ Đặng Xuân ở làng Hành Thiện.

    Trường Chinh lớn lên trong lúc thế hệ cha anh trong làng, trong họ đã kế tiếp nhau đứng dậy cứu nước qua các phong trào Cần Vương, Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục. Bao người đã bị bắt bớ, giam cầm. Bao người như Đặng Đoàn Bằng, Đặng Tử Mẫn, những cánh tay đắc lực của cụ Phan Bội Châu đã chiến đấu đến phút cuối cùng và bỏ mình nơi đất khách. Bao người ở ngay trong gia đình Trường Chinh đã nêu tấm gương học giỏi, yêu nước nếu không lên đường chiến đấu thì cũng ở nhà dạy học, làm thuốc và nhất là viết sách.

    Ông nội của Trường Chinh là Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, làm Tuần phủ Hải Dương, rồi Đốc học tỉnh Nam Định. Cụ đã tiếp tục tinh thần của những người tiền nhiệm là Đốc học Phạm Quang Nghị giáo dục cho các thế hệ học trò của mình tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành lại non sông đất nước. Cụ Đặng Xuân Bảng còn là một nhà nghiên cứu. Cụ viết rất nhiều sách về lịch sử, về địa chí các tỉnh, về lời nói, việc làm của cổ nhân, về giáo dục gia đình và một số thơ văn tập hợp trong Thiện đình thi.

    Người cha sinh ra Trường Chinh là cụ Đặng Xuân Viện, cũng là một nhà Nho uyên bác, làm nghề dạy học và viết sách. Tác phẩm nghiên cứu của cụ, bộ “Hành Thiện xã chí” gồm bốn tập là một công trình nghiên cứu công phu và khoa học về mọi mặt của làng Hành Thiện. Tiếc rằng bộ sách này đã bị thất lạc, chỉ còn lại một ít trang được người sau này viết lại và bổ sung nhưng sách này còn quá sơ lược nên không thể so với nguyên bản của tác giả Đặng Xuân Viện.

    Trường Chinh ngay từ tuổi ấu thơ đã sống trong không khí văn hoá của gia đình. Ông đã ít nhiều làm quen với Tứ thư, Ngũ kinh, thuộc những thơ Đường, thơ Tống và qua ông, cha của mình tiếp xúc với văn học và sử học nước nhà. Tiếp thu truyền thống của quê hương và gia đình là tinh thần yêu nước, là cuộc sống trí tuệ và liêm khiết, Trường Chinh đã không dừng lại ở đó. Không lặp lại con đường thất bại của cha anh, ông đã quyết định đi theo một hướng khác.

    Nho giáo vẫn là đạo lý, là nếp sống từ nhiều đời của gia đình, nhưng Trường Chinh đã nhìn rõ sự bất lực của Nho giáo và không thể chấp nhận hệ tư tưởng chính thống ấy của chế độ phong kiến mà ông thường xuyên phê phán và kiên quyết đánh đổ. Ông lên án nội dung cơ bản của Nho giáo nhưng ông giữ lại những nhân tố tích cực của Nho giáo như tinh thần hiếu học, như thái độ trọng nghĩa khinh tài, như cuộc sống thanh đạm và liêm khiết, coi đó là công cụ tinh thần đã được Việt Nam hoá để chuyển tải và duy trì những truyền thống của chính bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam.


Nhân dân xã Xuân Hồng vui mừng đón đ/c Trường Chinh

về thăm quê hương năm 1981

    Chúng ta hiểu vì sao con người bài phong một cách triệt để ấy lại có một tác phong ung dung tự tại như một nhà Nho, lại thận trọng trong lời nói, việc làm, trong mọi cử chỉ và trong mọi ứng xử hằng ngày. Trường Chinh cũng như Hồ Chí Minh đã kiên quyết gạt bỏ nội dung bảo vệ trật tự phong kiến của Nho giáo nhưng giữ lại những điều hữu ích của Nho giáo như ý thức trách nhiệm về tu dưỡng đạo đức, như cử chỉ văn hóa trong giao tiếp và ứng xử.

    Theo học ở trường tân học từ phổ thông đến cao đẳng, Trường Chinh đã có điều kiện thuận lợi để tiếp thu những thành tựu của văn hoá Pháp, mở rộng tầm nhìn ra thế giới, không ngừng nâng cao kiến thức của mình, trở thành một học giả uyên thâm, gạn lọc cho mình những tinh hoa văn hoá của cả phương Đông và phương Tây, ở cả quá khứ và hiện tại. Chính trong dịp này, ông đã tìm hiểu Cách mạng Pháp 1789, Cách mạng Trung Hoa 1911 và Cách mạng tháng Mười Nga 1917. Ông đã hăng say tham gia các phong trào yêu nước, đòi thả Phan Bội Châu, bãi khoá để tang Phan Chu Trinh.

    Nhưng phải nói rằng tinh thần yêu nước và niềm khát khao hiểu biết của ông cũng sẽ là vô ích nếu như ông không đủ nhạy bén để nắm bắt được điều kỳ diệu đã đến với cách mạng Việt Nam: đó là sự gặp gỡ giữa phong trào yêu nước với chủ nghĩa Mác - Lênin. Ông đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và đi theo hẳn “Đường Kách Mệnh” của Nguyễn Ái Quốc.

    Từ bước ngoặt lớn nhất này trong cuộc đời của Trường Chinh, chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng sáng tạo đã luôn luôn là ánh sáng soi đường cho mọi suy nghĩ và hành động. Đồng chí trở thành một người cộng sản sắc sảo và kiên cường ở cả mặt chính trị và văn hoá, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chỉ đạo mọi thắng lợi của nhân dân ta.

ĐỒNG CHÍ TRƯỜNG CHINH

VỚI QUÊ HƯƠNG

    Từ khi lên Hà Nội học và dấn thân vào con đường cách mạng đầy thử thách, nguy hiểm, bị kẻ thù truy lùng ráo riết, đồng chí rất ít khi có dịp được trở về thăm quê hương, gia đình. Nhưng những kỷ niệm không bao giờ quên từ thời thơ ấu đã ghi sâu trong lòng ông những tình cảm sâu sắc nhất.

    Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, trên cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng chí Trường Chinh đã nhiều lần về thăm quê hương, tìm hiểu cuộc sống của nhân dân, nhắc nhở và động viên Đảng bộ Nam Định những việc làm cần thiết.


Đ/c Trường Chinh chụp ảnh lưu niệm với cán bộ lãnh đạo

huyện Xuân Thủy, năm 1981

    Đồng chí đã dành nhiều thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc với bà con hàng xóm, với họ hàng thân quen, với cán bộ và xã viên hợp tác xã. Đồng chí lắng nghe ý kiến của mọi người và giải thích thêm về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng chí ân cần thăm hỏi sức khoẻ và đời sống của mọi người dân, khen ngợi mọi thành tích chiến đấu, lao động và học tập với tất cả tình cảm yêu thương của người con đi xa lâu ngày trở về. Đồng chí nói: Vì bận công việc của Đảng nên tôi không về thăm được bà con. Tuy ở xa nhưng trái tim tôi lúc nào cũng hướng về quê hương và bà con quê nhà.

    Mỗi lần đồng chí về thăm quê hương là một lần quê hương lại nhận thêm những tình cảm nồng hậu như nhận thêm sức mạnh mới để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí thường kịp thời đề cập tới những vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với từng hoạt động của địa phương.

    Trước hết đồng chí nhắc nhở lãnh đạo tỉnh vấn đề xây dựng Đảng, đòi hỏi toàn thể cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao ý thức chính trị, trình độ hiểu biết và phương pháp làm việc.

    Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Hà (2/1972), trước những khó khăn chung của cả nước và của Nam Định, đồng chí đã động viên toàn Đảng bộ hãy cùng nhau phấn đấu phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm thì nhất định Nam Hà có thể tiến rất nhanh bởi như đồng chí nói: Nam Hà là một tỉnh lớn ở miền Bắc, số dân đông, sức lao động nhiều, có kinh tế nông nghiệp phong phú trên cả ba miền: đồng bằng, miền biển, miền nửa đồi núi, có cơ sở công nghiệp và thủ công nghiệp tương đối lớn...

    Đồng chí Trường Chinh đặc biệt quan tâm tới vấn đề nông nghiệp, nhất là việc thực hiện Chỉ thị 100. Tháng 3 - 1981, đồng chí thăm huyện Hải Hậu, huyện Xuân Thuỷ, thăm các xã Hải Trung, Hải Vân, Xuân Hồng.

    Hải Hậu là huyện đi đầu trong phong trào thâm canh của Hà Nam Ninh, là một trong những huyện làm nông nghiệp giỏi của miền Bắc, là lá cờ đầu xây dựng đời sống văn hoá. Tình hình khoán sản phẩm của Hải Hậu lúc này đang diễn ra khá thuận lợi và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Việc khoán hộ đã tạo ra không khí sản xuất mới ở các hợp tác xã và gia đình xã viên. Công tác thuỷ lợi nội đồng, các khâu cung ứng phục vụ sản xuất như giống, phân bón đều có những thay đổi tích cực. Kết quả đó làm cho đồng chí Trường Chinh rất phấn khởi. Đồng chí đánh giá cao tinh thần đoàn kết của cán bộ và đảng viên huyện Hải Hậu, đã miệng nói tay làm cùng nhân dân, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo, áp dụng tốt đường lối của Đảng vào hoàn cảnh thực tế.

    Làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, đồng chí Trường Chinh nhắc nhở: phải nghiên cứu kỹ Chỉ thị 100 của Ban Bí thư để thực hiện tốt, nắm vững mục đích và nguyên tắc của việc khoán, bàn bạc dân chủ để có hình thức khoán thích hợp. Phải trên cơ sở thực tế để tổng kết kinh nghiệm, nhân rộng những điển hình như Hải Hậu trong toàn tỉnh.

    Đối với công nghiệp của tỉnh, đồng chí luôn quan tâm tới Nhà máy dệt Nam Định, cơ sở quan trọng nhất của tỉnh, nơi chính đồng chí đã gần gũi trong những năm tháng còn là học sinh ở tỉnh.

    Trong hồi ký của mình, đồng chí đã viết: “Tôi trọ học ở xóm lao động của công nhân Nhà máy sợi Nam Định... Nhiều chuyện về đời sống công nhân bị bóc lột, bị cúp phạt, bị đánh đập, tôi đã được nghe, được thấy. Có lần, tôi thấy một công nhân Nhà máy sợi bị máy nghiền nát hai ngón tay, phải đưa vào bệnh viện chữa, bị tàn tật nhưng chủ Tây không hề bồi thường... Ở xóm nhà lá, gia đình nào cũng đói cơm, rách áo, ốm đau không có thuốc...”(1).  Trong suốt cuộc đời mình, những hình ảnh ấy vẫn day dứt đồng chí Trường Chinh, khiến đồng chí lúc nào cũng nghĩ tới việc chăm lo đời sống và không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm của giai cấp công nhân.

    Năm 1971, đồng chí Trường Chinh đã cùng lãnh đạo tỉnh Nam Hà xuống tận các buồng máy xem xét tình hình sản xuất, thăm hỏi đời sống công nhân. Đồng chí đã căn dặn các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của nhà máy: Phải tập trung cao cho sản xuất, nhanh chóng khôi phục lại nhà xưởng, thiết bị, nền nếp quản lý, đưa năng suất lên cao, đồng thời quan tâm đến đời sống công nhân, viên chức nhà máy.

    Đặc biệt hơn, khi đồng chí Trường Chinh về thăm nhà máy lần thứ hai ngày 19/0l/1980, đồng chí đã dành nhiều thời gian và tâm huyết với đội ngũ công nhân Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định.

Đồng chí đã thăm các phân xưởng, trực tiếp thăm hỏi công nhân về việc làm, về đời sống. Đồng chí đã gặp gỡ nói chuyện cởi mở và chân tình với gần 700 cán bộ, đảng viên, công nhân viên tiêu biểu tại Hội trường Nhà máy dệt.


Đ/c Trường Chinh xem mặt hàng do Nhà máy Dệt sản xuất (1980)

    Đồng chí đã nhắc lại sự ra đời và truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của đội ngũ công nhân nhà máy qua các chặng đường lịch sử. Trong đó, đồng chí nhắc lại những cuộc bãi công đấu tranh năm 1924, 1925 đã góp phần quan trọng trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Với lòng yêu thương chân tình và sâu sắc, đồng chí nêu lên những hạn chế trong đời sống công nhân: bữa ăn giữa ca của công nhân nhà máy chưa tốt, nhà ở còn chật chội, còn hơn l.000 hộ công nhân phải ở ghép. Phúc lợi tập thể chưa được giải quyết tốt. Đồng chí nhắc nhở: “Tiến hành sản xuất, thi đua làm lợi cho nhà máy, cho nước nhà nhưng cũng phải làm lợi cho người lao động”.

    Trước những hiện tượng tiêu cực còn nhiều như ăn cắp của công, lãng phí, kỷ luật lao động còn lỏng lẻo, đồng chí đã nghiêm khắc chỉ ra khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng. Đó là việc nội bộ mất đoàn kết kéo dài ở một số đồng chí có trách nhiệm, đó là quả tạ ghìm chân bước tiến của xí nghiệp, những tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, mê muội, tham lam và bất công còn rơi rớt trong mỗi con người chúng ta.

    Đồng chí Trường Chinh là nhà văn hoá lớn nên mỗi lần về quê hương, dù dự Đại hội Đảng bộ của địa phương, dù xuống đồng ruộng hay vào nhà máy, đồng chí đều nhắc nhở cấp uỷ đảng, chính quyền cũng như mọi tầng lớp nhân dân phải không ngừng nâng cao trình độ văn hoá cho quê hương, cho bản thân mình và cho gia đình mình.

    Ngay trong Đề cương văn hoá 1943, đồng chí đã hiểu văn hoá theo nghĩa rộng, coi văn hoá bao trùm lên mọi mặt của đời sống. Tuy nhiên, đồng chí tập trung vào ba nội dung lớn là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật.


Đ/c Trường Chinh với những người làm công tác điện ảnh

    Về tư tưởng, đồng chí nhắc nhở mọi người đặt vấn đề Tổ quốc lên trên hết, toàn tâm toàn ý phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đồng chí nhắc nhở các cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu về đạo đức để làm gương cho quần chúng nhân dân, đồng thời phải không ngừng hoàn thiện lối sống lành mạnh, lối sống có văn hoá trong gia đình và ngoài thôn xóm.

    Về học thuật (ngày nay ta hiểu là khoa học), đồng chí thường quan tâm tới việc các địa phương đã mở mang trường lớp như thế nào, thầy giáo có dạy tốt không, học sinh có chăm chỉ và học giỏi hay không? Đồng chí thường lấy tấm gương học giỏi, đỗ cao của Nam Định để động viên các thầy giáo và học sinh.

    Trong việc học tập, đồng chí không chỉ dừng lại ở việc học chữ và trau dồi một số kiến thức mà điều cơ bản là phải không ngừng hoàn thiện phương pháp suy nghĩ mà chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đem lại cho nhân dân ta.

    Tiếp thu những lời căn dặn của đồng chí Trường Chinh trong những lần về thăm quê và đặc biệt là học tập những cuốn sách mà trong suốt cuộc đời của mình, đồng chí đã nêu lên những quan điểm cơ bản của Đảng về văn hoá Việt Nam, tiếp thu tư tưởng văn hoá của đồng chí Trường Chinh, quê hương Nam Định đã nổi lên như một tỉnh có thành tích vẻ vang về học giỏi, đỗ cao và liên tục cung cấp cho đất nước nhiều nhà khoa học nổi tiếng.

    Về nghệ thuật, nói rộng ra là cả văn học và nghệ thuật, đồng chí Trường Chinh đã để lại những tác phẩm lớn, tiếp tục làm kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động văn học, nghệ thuật từ các khâu sáng tác, biểu diễn, phê bình, thưởng thức...

    Với một vài điểm khái quát trên đây về sự quan tâm của đồng chí Trường Chinh đối với quê hương, chúng tôi càng nhận thức sâu sắc rằng: tình quê hương là những tình cảm trong sáng và tốt đẹp ở mỗi con người. Đối với đồng chí Trường Chinh, người đã lớn lên từ những truyền thống tốt đẹp của quê hương thì tình cảm của đồng chí càng sâu nặng. Tuy nhiên, tình quê hương ở một lãnh tụ dân tộc lại xa lạ với tư tưởng địa phương chủ nghĩa, với quan điểm vinh thân phì gia mang tính ích kỷ phong kiến. Đồng chí luôn luôn theo dõi từng bước đi của quê hương, đóng góp những ý kiến quý báu của mình cho sự phát triển về mọi mặt của quê hương. Không bao giờ đồng chí vi phạm nguyên tắc của Đảng và Nhà nước để bù đắp riêng tư cho quê hương mình. Khi nghe cô em gái nói có người chê trách: “Bác Trường Chinh làm to như vậy mà không giúp gì cho làng ta cả”, đồng chí Trường Chinh dặn cô em gái nói lại với người ấy rằng: “Anh làm việc phục vụ cho đất nước ta chứ đâu làm việc riêng cho làng Hành Thiện được, mong bác ấy và dân làng thông cảm”.

    Câu nói trên đã khiến cho mọi người càng kính phục đồng chí, càng hết lòng học tập và noi gương đồng chí, càng thấy lời nói và việc làm của đồng chí là món quà vô giá đối với mảnh đất và con người của quê hương Nam Định.

QUÊ HƯƠNG

MÃI MÃI NOI GƯƠNG SÁNG

CỦA ĐỒNG CHÍ TRƯỜNG CHINH

    Chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trường Chinh trong lúc Việt Nam bước vào một thời kỳ mới vô cùng quan trọng trong quá trình hội nhập toàn cầu.

    Trong tháng 11 năm 2007, tại Hà Nội đã tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Cũng trong dịp này, cả nước đón chào Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, gọi tắt là WTO. Hai sự kiện lịch sử nói trên đánh dấu một bước chuyển biến lớn lao trong lịch sử phát triển của dân tộc. Hai mươi mốt vị nguyên thủ quốc gia và gần chục ngàn vị khách quốc tế đã đến Việt Nam, cùng ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong những thập kỷ vừa qua, đồng thời dự báo những thành tựu lớn lao của Việt Nam trong thời gian tới.

    Những sự kiện nói trên đã mở ra trước nhân dân ta trong toàn quốc cũng như ở mỗi địa phương một thời cơ hiếm có và những thách thức chưa lường hết. Trong tình hình này, tỉnh Nam Định cũng có rất nhiều thuận lợi chưa khai thác hết nhưng cũng lại đứng trước rất nhiều khó khăn  phải vượt qua.


Đ/c Trường Chinh với đại biểu dự Đại hội IV Đoàn thanh niên Cộng sản

Hồ Chí Minh, ngày 20/10/1980

    Đại hội Đảng bộ Nam Định lần thứ XVII đã đánh giá những thành công về mọi mặt trong 5 năm qua; Đồng thời, Nghị quyết của Đại hội về phương hướng và nhiệm vụ sắp tới đang được khẩn trương thực hiện với nhiều triển vọng tốt đẹp nhưng cũng không ít khó khăn còn cần phải giải quyết.

    Ngày nay, một không khí mới đang tràn ngập trên đất nước ta. Một loạt vấn đề mới đang được đặt ra, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh phải có những nỗ lực rất lớn để vượt qua mọi thách thức, khai thác và sử dụng được mọi thuận lợi. Nắm vững được thời cơ này, quê hương Nam Định đã và đang vững vàng tiến tới mục tiêu giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc.

    Vào WTO là tham gia vào cuộc cạnh tranh giữa Việt Nam với nhiều nước. Làm thế nào để không những sản phẩm công nghiệp mà ngay cả sản phẩm nông nghiệp của ta cũng cạnh tranh được trên thị trường thế giới và cả trong nước? Chúng ta không thể bằng lòng nếu như chất lượng hàng hoá hiện nay của chúng ta kể cả sản phẩm nông nghiệp đã chế biến hoặc chưa chế biến còn chưa được nâng cao.

    Làn sóng đầu tư từ các nước trên thế giới đã và sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam. Liệu Nam Định chúng ta sẽ làm gì để tranh thủ được những khoản đầu tư có lợi cho sự phát triển của quê hương, đồng thời nâng cao trình độ công nghệ và cải thiện đời sống của nhân dân?

    Làm thế nào để nền công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh được hoàn thiện hơn kể cả các khâu sử dụng tiền vốn, nâng cao kỹ thuật và hoàn thiện quản lý?

    Chúng ta tin tưởng sự đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân trong toàn tỉnh. Nhưng điều quan trọng hơn cả là làm thế nào để phát huy được những ưu thế vốn có của quê hương, những bài học quý giá mà quê hương thu nhận được trong sự nghiệp chiến đấu lâu dài và gian khổ vừa qua? Đặc biệt là làm thế nào để học tập tấm gương cách mạng, phẩm chất đạo đức và những lời chỉ bảo ân cần của đồng chí Trường Chinh đối với quê hương, coi đó như một vũ khí tinh thần cho chúng ta trước mọi thử thách của ngày hôm nay?


Đ/c Trường Chinh làm việc tại xưởng in Hồng Phong (Bắc Việt)


Đ/c Trường Chinh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đ/c lãnh đạo thảo luận kế hoạch quân sự Đông Xuân (1953-1954) và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ

    1. Trước hết là ý chí cách mạng không gì lay chuyển nổi ở đồng chí Trường Chinh trong sự nghiệp kháng chiến chống những kẻ xâm lược mạnh hơn ta gấp nhiều lần về mọi mặt kinh tế, kỹ thuật, vũ khí. Trong cuốn “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, đồng chí Trường Chinh đã vạch ra những bước đi cụ thể trên con đường thắng lợi và động viên lòng tin tưởng và tinh thần dũng cảm của toàn dân trong chiến đấu.

    Đồng chí đã đi đầu trong việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ là: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

    Hiện nay, trên con đường xây dựng và phát triển của đất nước cũng như của quê hương, bên cạnh những thuận lợi và thời cơ là những khó khăn thử thách không nhỏ. Nhưng đó là những khó khăn trong thế đi lên đầy triển vọng của đất nước. Tuy nhiên, những khó khăn ngày nay vẫn không thể so sánh được với những khó khăn mà nhân dân đã phải đương đầu suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Khi đó kẻ thù không những mạnh hơn ta rất nhiều mà còn vô cùng xảo quyệt và tàn ác. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng mà đồng chí Trường Chinh là một trong những người chủ chốt, nhân dân Nam Định ngày đêm sống trong nước sôi lửa bỏng, hết người này ngã xuống, người khác lại xông lên, tiếp tục chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng.

    Với truyền thống ấy, chúng ta có thể tin tưởng rằng, quá trình hội nhập toàn cầu dù khó khăn đến đâu nhưng với ý chí sắt đá tiếp thu từ tấm gương sáng của đồng chí Trường Chinh, nhân dân Nam Định nhất định đạt được những thắng lợi huy hoàng.


Đ/c Trường Chinh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đ/c Phạm Văn Đồng,

Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn Khang tại Chiến khu Việt Bắc

    2. Chúng ta đang sống trong thời đại của Trí tuệ. Hằng ngày, hằng giờ, trên phạm vi toàn thế giới đang xuất hiện những phát minh mới từ bộ óc của nhân loại. Khoa học ngày càng tạo những chuyển biến lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống.

    Trong bối cảnh toàn cầu hoá và kinh tế tri thức ngày nay, những nhân tố cực kỳ quan trọng trong thời gian trước đây như tài nguyên thiên nhiên, sự hùng mạnh về kinh tế và quân sự cũng chưa quan trọng bằng một nhân tố của thời đại ngày nay đó là nhân tố trí tuệ.

    Ngày nay, sự thành công của cả dân tộc, của mỗi cơ sở kinh doanh cũng như của mỗi con người trước hết phụ thuộc vào trình độ trí tuệ. Trí tuệ đang là thách thức lớn nhất đối với cả nhân loại. Trong cuộc thách thức này, Việt Nam chúng ta và đặc biệt là quê hương Nam Định có một ưu thế rõ rệt, đó là truyền thống thông minh và hiếu học. Nam Định quyết tâm khai thác ưu thế này để đầu tư vào ngành giáo dục, vào việc đào tạo nhân tài và sử dụng trí thức của tỉnh nhà hiện đang sống trên mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, ở những nơi tiên tiến nhất của thế giới ngày nay.

    Chúng ta tin rằng, với chính sách đúng đắn của Đảng bộ Nam Định, nguồn trí tuệ vô tận của tỉnh nhà để tạo nên trên mảnh đất quê hương ngày một giàu đẹp. Đó là điều mà đồng chí Trường Chinh hằng mong đợi xuất phát từ truyền thống văn hoá mà đặc biệt là truyền thống trí tuệ của tỉnh nhà.

    3. Đồng chí Trường Chinh là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn nữa là người thực hiện ở bản thân mình những tư tưởng và phẩm chất đạo đức của vị lãnh tụ tối cao của dân tộc. Đồng chí thường xuyên quan tâm, nhắc nhở việc tu dưỡng đạo đức, coi như là điều kiện quan trọng bậc nhất để chiến thắng kẻ thù, giành lại độc lập, đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Với tinh thần đạo đức đó, triệu người như một đã sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân và gia đình, tuổi trẻ và tình yêu để phục vụ cho lợi ích cao nhất là độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho toàn thể nhân dân.

    Sau khi giành lại độc lập và thống nhất trên toàn lãnh thổ, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kéo dài, rồi bước vào thời kỳ đổi mới, đạt được những thành tựu xuất sắc về mọi mặt kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho một cuộc sống hài hoà giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân.

    Đảng và Nhà nước khuyến khích mọi người ra sức lao động phát triển kinh tế thị trường vừa làm giàu cho Tổ quốc, vừa làm giàu cho gia đình và bản thân. Đó là một điều rất hợp lý trong khi cuộc kiến thiết hoà bình đòi hỏi không chỉ lợi ích cộng đồng mà cả lợi ích của cá nhân đều phải được quan tâm thích đáng. Sự hài hoà lợi ích trở thành một động lực cho sự phát triển chung của cả xã hội cũng như của mỗi gia đình, mỗi cá nhân...

    Không nắm vững nguyên tắc nói trên, nhiều người đã đặt lợi ích riêng tư lên trên lợi ích cộng đồng. Chủ nghĩa ích kỷ ngày một nảy sinh ở nhiều thành phần xã hội. Nhiều người đã chạy theo lợi ích vật chất, coi nhẹ đời sống tinh thần. Tình trạng tham nhũng, dối trá, lừa đảo tạo ra một sự suy thoái về nhiều mặt của đạo đức.

    Làm giàu bất chính đã hủy hoại cuộc sống tốt đẹp của con người, không những làm hư hỏng bản thân mà còn phá hoại nền tảng hạnh phúc của gia đình, phá bỏ lòng yêu thương giữa người và người, từ đó, đưa con cháu vào con đường tội lỗi. Cái hạnh phúc ảo tưởng mà những con người ích kỷ muốn xây dựng cho bản thân mình sớm muộn sẽ trở thành điều bất hạnh cho bản thân họ.

    Tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời căn dặn của đồng chí Trường Chinh ngày càng sáng tỏ thêm như là lời cảnh báo cho những kẻ sống ích kỷ đang huỷ diệt cả hạnh phúc và danh dự của họ.

    Lúc sinh thời, đồng chí Trường Chinh viết về đạo đức của Bác Hồ đã nhấn mạnh sự hoà hợp, hoàn chỉnh giữa nhân, trí, dũng ở con người Bác. Đồng chí Trường Chinh mong mỏi mọi người hãy sống như Bác. Đó là tình yêu thương vô hạn với Tổ quốc, với đồng bào, với nhân loại còn đau khổ (nhân). Đó là tinh thần suốt đời học tập, không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết để có nhận thức sáng suốt trong mọi hoàn cảnh, vượt qua được mọi khó khăn, thử thách trên con đường phát triển của cộng đồng và của cá nhân (trí). Đó là tinh thần dũng cảm và khí phách anh hùng để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó (dũng).

    Ba điều nói trên chính là pháp bảo của chúng ta để đem lại sự giàu mạnh cho Tổ quốc và cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người.

    Quê hương ta từ trước đã luôn theo lời căn dặn của đồng chí Trường Chinh và trong sự nghiệp phát triển hôm nay của Tổ quốc, càng nắm vững những điều tâm huyết ấy để đạt được thành công trong mọi hoạt động của mình./.

 

 

(*): Nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định

vv
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

 

Bản quyền thuộc UBND huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

Địa chỉ: Thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

Điện thoại: (0228)8870699.

Email nhận thư từ tỉnh: ubndhuyenxuantruong-namdinh@chinhphu.vn

Email nhận thư trong huyện: vpxuantruong.xtg@namdinh.gov.vn

 

                     image banner