image banner
Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Trường
Lượt xem: 8422

Chương I

XUÂN TRƯỜNG TRƯỚC KHI CÓ ĐẢNG CỘNG SẢN

Bài 1. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH HUYỆN XUÂN TRƯỜNG

1. Khái quát vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên huyện Xuân Trường

Xuân Trường là huyện ở phía Đông Nam của tỉnh Nam Định, thuộc đồng bằng Bắc Bộ, có địa hình bằng phẳng. Phía Đông là sông Sò giáp huyện Giao Thủy, phía Đông Bắc và Bắc là sông Hồng, phân giới tự nhiên giữa Xuân Trường và tỉnh Thái Bình, phía Tây là đường 54 và sông Ninh Cơ, là phân giới với huyện Trực Ninh, phía Nam giáp Hải Hậu. Diện tích tự nhiên là 116,1 km², dân số trên 19 vạn người (năm 2016), trong đó đồng bào theo đạo Thiên chúa chiếm khoảng 30%.

Bản đồ hành chính huyện Xuân Trường

Nhờ được bao bọc bởi 3 con sông (Sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Sò).  Nên đất đai màu mỡ, dễ trồng trọt, tưới tiêu thuận lợi, khí hậu nhiệt đới gió mùa thích hợp cho sự phát triển của cây lúa. Vì vậy, nông nghiệp trở thành ngành kinh tế chính của huyện Xuân Trường.

2. Lịch sử hình thành huyện Xuân Trường qua các thời kì

Xuân Trường là một trong những vùng đất do biển bồi tạo. Nơi đây xưa kia thường ngập nước theo chế độ nhật triều, lau sậy um tùm, hoang vu. Theo các nguồn thư tịch cổ thì vùng đất này đến thời Đinh (năm 968) vẫn chưa có tên riêng mà vốn là một phần đất của hương Giao Thủy (bao gồm đất từ Nam Trực trở xuống).

Thời Lý, nước ta chia thành 10 lộ, đất Xuân Trường lúc đó thuộc lộ Hải Thanh, phủ Ứng Phong.

Năm 1262, Vua Trần Thánh Tông lấy hương Tức Mặc - quê hương nhà Trần - lập phủ Thiên Trường. Huyện Giao Thủy (bao gồm cả hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy ngày nay) là một trong 4 huyện thuộc phủ Thiên Trường: Mỹ Lộc, Thượng Nguyên, Nam Chân và Giao Thủy. Thủ phủ Thiên Trường là Hành cung Tức Mặc.

Sau nhiều lần đổi tên, năm 1831, trấn Nam Định đổi tên là tỉnh Nam Định gồm 4 phủ: Thiên Trường, Nghĩa Hưng Thái Bình, Kiến Xương (phủ Thái Bình, Kiến Xương nay thuộc tỉnh Thái Bình). Xuân Trường thuộc phủ Thiên Trường.

Năm 1862, phủ Thiên Trường đổi thành phủ Xuân Trường. Như vậy, tên “Xuân Trường” được xuất hiện ở thế kỉ XIX nhưng không phải là địa danh huyện như hiện nay mà là địa danh của một phủ. Đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp cải cách hành chính, phủ không bao gồm nhiều huyện nữa nên đem tên phủ đặt cho huyện lớn nhất trong phủ. Huyện Giao Thủy được gọi là phủ Xuân Trường.

Năm 1934, phủ Xuân Trường được chia làm hai đơn vị hành chính là huyện Xuân Trường và huyện Giao Thủy thuộc tỉnh Nam Định, lấy sông Sò làm mốc địa giới. Huyện lỵ Xuân Trường đặt tại Ngọc Cục (Xuân Tiên - Xuân Hồng).

Ngày 15/10/1952, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 224-TTg đổi tên hầu hết các xã. Tất cả các xã trong huyện đều có chữ  “Xuân” đứng đầu.

Tháng 12/1967, theo quyết định số 174/CP của Hội đồng Chính phủ hợp nhất huyện Xuân Trường và huyện Giao Thủy thành huyện Xuân Thủy.

Ngày 26/2/1997, Chính phủ có Nghị định 19/CP về việc điều chỉnh địa giới, chia tách huyện Xuân Thủy thành hai huyện Xuân Trường và huyện Giao Thủy. Huyện Xuân Trường chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới từ ngày 01/4/1997. Hiện nay huyện lỵ đặt ở Thị trấn Xuân Trường (trước là một phần đất của xã Xuân Ngọc và xã Xuân Hùng).

Hiện nay huyện Xuân Trường gồm có 20 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn là: Thị trấn Xuân Trường, các xã Xuân Châu, Xuân Thượng, Xuân Hồng, Xuân Thủy, Xuân Ngọc, Xuân Phong, Xuân Thành, Xuân Bắc, Xuân Trung, Xuân Phương, Xuân Tân, Xuân Đài, Xuân Phú, Xuân Vinh, Xuân Hòa, Xuân Ninh, Xuân Tiến, Xuân Kiên, Thọ Nghiệp.

Có thể nói, từ khi hình thành đến nay, Xuân Trường không chỉ thay đổi tên gọi nhiều lần mà những chuyển biến của vùng đất này còn gắn liền, hòa mình vào trong dòng chảy chung của lịch sử dân tộc.

Bài 2. XUÂN TRƯỜNG TRƯỚC KHI CÓ ĐẢNG CỘNG SẢN

1. Công cuộc khai hoang lập ấp và phát triển kinh tế

Thời Lý - Trần, chính quyền phong kiến đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích sản xuất, khai hoang mở rộng diện tích trồng trọt và đặc biệt là công tác trị thủy. Các tuyến đê của sông Hồng, sông Thái Bình được nối dài ra biển và tu bổ hàng năm. Công cuộc quai đê lấn biển cũng được đẩy mạnh. Vùng đất ven biển của lộ Hải Thanh (thời Lý), phủ Thiên Trường (thời Trần) đã trở thành nơi hội tụ của cư dân các nơi khác đến khai cơ lập nghiệp (từ trung du đến đồng bằng châu thổ sông Hồng).

Cùng với công cuộc khai hoang do nhà nước tiến hành, công cuộc khai hoang tự nguyện của nhân dân cũng diễn ra mạnh mẽ, tiêu biểu phải kể đến công cuộc khai hoang lập ấp của Tướng công Ngô Miễn[1] vào khoảng năm 1392 - 1396, lập ra làng Nhật Thi (nay là Xuân Hy - Xuân Thủy; Xuân Bảng - Thị trấn Xuân Trường; Xuân Dương - Xuân Hòa).

Thời Lê sơ, nhà nước phong kiến tiếp tục thực hiện chính sách khuyến nông thời Lý - Trần. Vua Lê Thái Tổ đã xuống chiếu dụ cho dân phát triển đinh điền. Năm 1483, Vua Lê Thánh Tông ban hành luật Hồng Đức, trong đó đề cập đến việc “mở rộng diện tích cấy cày, tăng cường thu nhập cho nhà nước”. Công việc tổ chức khai hoang, mở đất được chú trọng. Năm 1486, triều đình lại ra lệnh cho các phủ, huyện có đất bồi ven biển phải chia cho người có ít ruộng để cày cấy và nộp thuế. Nhờ chính sách đó mà vùng ven biển phủ Thiên Trường trở thành vùng đất hấp dẫn, thu hút hàng ngàn nông dân phiêu tán về đây lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới.

Suốt mấy thế kỉ, công cuộc khẩn hoang của người dân đã tạo nên một loạt các làng xã mới: Xuân Hy (Xuân Thủy), Hạc Châu (Xuân Châu), Lạc Nghiệp (Thọ Nghiệp), Kiên Lao (Xuân Kiên, Xuân Tiến ngày nay), Trà Lũ (Xuân Trung, Xuân Bắc, Xuân Phương ngày nay), Bình Cư (An Cư - Xuân Vinh), Hành Cung (Hành Thiện - Xuân Hồng), Cát Xuyên (Xuân Thành)…

Vùng đất Xuân Trường được mở rộng, dân cư đông đúc. Ngoài trồng lúa, người dân còn trồng khoai, đậu, cà, bầu, bí, chuối, cam… và trồng dâu, nuôi tằm. Nghề đánh cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm đều phát triển.

Sản xuất nông nghiệp phát triển đã thúc đẩy các nghề thủ công và buôn bán ở Xuân Trường phát triển. Các nghề thủ công trong nhân dân rất phổ biến như: rèn sắt, đúc đồng, dệt vải, đan lát, làm nón… Có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng trong vùng như: dệt vải ở Hành Thiện (Xuân Hồng), dệt chiếu ở Trà Lũ… được khách hàng thập phương ưa chuộng.

Việc trao đổi, mua bán hàng hóa tấp nập, chợ búa mọc lên ở nhiều nơi. Làng Hành Thiện vốn được coi là một tiểu đô hội, không chỉ là thị trường lớn nhất trong huyện mà còn là một trong những làng buôn nổi tiếng ở tỉnh Nam Định, thu hút các thương nhân ở nhiều nơi trong huyện và từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nội về trao đổi buôn bán.

2. Sự phát triển về văn hóa

Ở Xuân Trường, một số tín ngưỡng cổ truyền vẫn phổ biến và phát triển như tôn thờ trời đất và tục thờ tổ tiên, thờ các anh hùng dân tộc. Những người có công với làng, nước được nhân dân xây dựng đền thờ tôn vinh làm thành hoàng.

Đạo Phật được coi trọng từ thời Đinh và phát triển mạnh vào thời Lý - Trần. Trong buổi đầu, đạo Phật có ảnh hưởng rộng lớn đến đời sống tâm linh của nhân dân Xuân Trường. Hầu hết các làng, xã đều xây chùa, tô tượng, đúc chuông…

Cùng với sự phát triển của đạo Phật, từ năm 1533, đạo Thiên Chúa được truyền bá vào Xuân Trường. Vùng đất Trà Lũ, Bắc Câu (thị trấn Xuân Trường) là những địa phương đầu tiên tiếp nhận sự du nhập của tôn giáo này. Tòa giám mục Bùi Chu (Xuân Ngọc) là một trong những trung tâm công giáo lớn ở miền Bắc điều hành giáo phận 6 huyện phía Nam tỉnh Nam Định bao gồm:Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực.

 

Nhà thờ Bùi Chu (xã Xuân Ngọc - Xuân Trường)

Sau những ngày lao động sản xuất mệt nhọc, người dân Xuân Trường thường tổ chức lễ hội, vui chơi. Lễ hội dân gian vừa là hoạt động thờ cúng thần linh, những người có công với nước, với dân, vừa là hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt văn như: Ca hát, nhảy múa, đấu vật, đua thuyền, đấu cờ, đánh đu, chạy lấy nước, kéo lửa, thổi cơm thi…


Hội thi bơi trải ở lễ hội Chùa Keo Hành Thiện

 Giáo dục Xuân Trường rất phát triển, được coi là vùng đất học tiêu biểu của phủ Thiên Trường. Từ tháng 3/1075, Vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Nho học đầu tiên đến khoa thi Hội cuối cùng năm Kỷ Mùi (1919), tỉnh Nam Định có 83 vị đỗ đại khoa, trong đó Xuân Trường có 9 vị (5 tiến sĩ, 4 phó bảng)[2] . Các vị đại khoa ở Xuân Trường đều là những bậc hiền tài của đất nước như Cụ Đào Minh Dương (Nghĩa Xá - Xuân Ninh) đỗ tiến sỹ năm 1550 đời Vua Mạc Phúc Nguyên mở đầu cho sự phát triên Nho học ở Xuân Trường, cụ Phạm Thế Lịch, cụ Đặng Xuân Bảng…

Xuân Trường có nhiều công trình kiến trúc có giá trị như: Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Hồng), chùa Nghĩa Xá (Xuân Ninh), đền Xuân Bảng (Thị trấn Xuân Trường), đền An Cư (Xuân Vinh), nhà thờ Phú Nhai (Xuân Phương)… Tiêu biểu là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện[3] .

  

Chùa Keo Hành Thiện (Xã Xuân Hồng)

          3. Truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm và áp bức bóc lột của nhân dân Xuân Trường

          Theo các gia phả, ngọc phả, các sắc phong, thư tịch cổ, vùng đất Xuân Trường có rất nhiều các di tích thờ phụng các anh hùng, tướng lĩnh như: Đền thờ Nguyễn Công Hai (Xuân Tân) - người có công giúp Lý Thường Kiệt đánh giặc Chiêm Thành; đền Xuân Hy (Xuân Thủy) và đền Xuân Bảng (Thị trấn Xuân Trường) thờ Tướng công Ngô Miễn (1371 - 1407) - người có công đưa dân về khai hoang lập ấp và đã cùng quan quân nhà Hồ chống lại giặc Minh; đền Ngọc Tiên (Xuân Hồng) thờ tướng Hoàng Quảng - người có công giúp nước đánh giặc Chiêm Thành dưới triều Hậu Lê …

Đầu thế kỉ XIX, nhà Nguyễn suy yếu, địa chủ cường hào chiếm đoạt ruộng đất. Đời sống các tầng lớp nhân dân cực khổ, nạn đói, dịch bệnh hoành hành khắp nơi. Hàng trăm cuộc khởi nghĩa từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược đã bùng nổ, vang dội nhất là cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành[4].

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Tiếng súng kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta ở Đà Nẵng đã thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân Xuân Trường. Nhiều người dân đã tham gia đội quân Nam tiến của cụ Đốc học Phạm Văn Nghị vào Huế xin đánh Pháp.

Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn kí với Pháp hiệp ước Pa-tơ-nốt, thừa nhận sự bảo hộ của Pháp trên đất nước ta. Nhân dân Xuân Trường vẫn tiếp tục hưởng ứng Chiếu Cần vương của Vua Hàm Nghi chống Pháp. Nhiều người đã tham gia nghĩa quân của cụ Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên. Cụ Ngô Văn Sắc ở Lạc Nghiệp (Thọ Nghiệp) bí mật đúc súng tại nhà để cung cấp cho nghĩa quân đánh Pháp. Năm 1889, nhân dân Xuân Trường nổi dậy đánh úp đồn lính ở Lạc Quần. Năm 1902, quần chúng đã bao vây đồn Đoan cầu Sắt, giết tên đồn trưởng và đốt hết sổ sách. Nhiều người treo ấn từ quan, không hợp tác với Pháp.

Đầu thế kỉ XX, luồng tư tưởng dân chủ tư sản ở Châu Âu được truyền bá vào nước ta, thổi bùng lên phong trào yêu nước theo xu hướng mới. Nhiều nhà Nho yêu nước ở Xuân Trường tham gia vào phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng (năm 1905) như cụ Đặng Tử Kính, Đặng Đoàn Bằng, Đặng Tử Mẫn (Hành Thiện), Phạm Quang Thiết (Ngọc Cục)... Một số nhà nho yêu nước như cụ Trịnh Thế Lộc (Tự Lạc), Lê Ngọc Hàm (Hội Khê) đã mở trường dạy học, mở mang dân trí, khơi dậy lòng yêu nước.

Tinh thần yêu nước, đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm và áp bức bóc lột của nhân dân Xuân Trường thời phong kiến đã góp phần vào sự phát triển lịch sử chung của dân tộc và là điều kiện để sau này bắt gặp chân lý Chủ nghĩa Mác - Lê nin chiếu rọi, ngọn lửa đấu tranh đó lại bùng lên dành lại độc lập cho Tổ quốc.

Chương II

XUÂN TRƯỜNG TRONG SỰ NGHIỆP ĐẤU TRANH GIÀNH VÀ BẢO VỆ ĐỘC LẬP DÂN TỘC

Bài 3: XUÂN TRƯỜNG TRONG SỰ NGHIỆP ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN

          1. Quá trình đấu tranh thành lập chi bộ - Đảng bộ Xuân Trường (1919 - 1930)

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), Pháp tăng cường chính sách khai thác thuộc địa trong đó có Việt Nam. Do tác động mạnh mẽ của cuộc khai thác, tình hình kinh tế - xã hội Nam Định nói chung, vùng đất Xuân Trường nói riêng có nhiều chuyển biến lớn. Cùng với đó, phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Xuân Trường cũng phát triển mạnh mẽ.

Những  năm 20 của thế kỉ XX, một số học sinh trường Thành Chung (Nam Định) cùng một số công nhân nhà máy dệt mà điển hình là đồng chí Trường Chinh đã tích cực tuyên truyền cách mạng về quê hương.

Từ năm 1927, thầy giáo Nguyễn Trương Thúy[5] (có tài liệu gọi là Nguyễn Trường Thúy) đã sớm giác ngộ cách mạng nên vừa dạy học vừa chú ý tuyên truyền cách mạng trong giới học sinh yêu nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời các tổ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Xuân Trường.

Ngày 19/6/1929, Ban Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản đảng Nam Định được thành lập, các tổ Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong đó có Xuân Trường được chuyển thành chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng. Chi bộ Xuân Trường đã tăng cường hoạt động tuyên truyền để mở rộng ảnh hưởng của Đảng, giác ngộ quần chúng đấu tranh. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt vĩ đại cho cách mạng Việt Nam.

          2. Đấu tranh giữ vững và phát triển phong trào cách mạng (1930 - 1939)

Cuối năm 1930, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Nam Định, Liên chi ủy Xuân Trường và Giao Thủy được thành lập và coi đó là Đảng bộ đầu tiên ở hai địa phương, tổ chức Đảng ở Xuân Trường do đồng chí Nguyễn Trương Thúy làm bí thư.

Đền chùa Tự Lạc (xã Thọ Nghiệp), nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Xuân Trường

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Xuân Trường có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tháng 4/1930, chi bộ Cộng sản Lạc Quần đã vận động nhân dân quyên góp gạo, tiền ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy dệt Nam Định. Ngày 1/5/1930 và dịp tết Tân Mùi (1931), ta đã rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm trên các trục đường giao thông, các điểm dân cư như đồn binh Lạc Quần (Xuân Ninh), phủ lị Xuân Trường (Hành Thiện), chợ Cát Xuyên (Xuân Thành), chợ Trung (Xuân Trung), chợ Lau Sáng (Xuân Tiến). Đảng bộ Xuân Trường tích cực vận động, xây dựng các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Hội phản đế, Hội phụ nữ cứu tế, Đoàn thanh niên cứu quốc… Phong trào đấu tranh của nhân dân trong những năm 1930 - 1931 đã làm cho kẻ địch hoang mang lo sợ, uy tín của Đảng được nâng cao, Đảng bộ Xuân Trường ngày càng trưởng thành.

Năm 1936, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương (đến năm 1938 đổi thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương) nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước, dân chủ, tiến bộ đấu tranh “chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình”. Thực hiện chủ trương của Đảng, tại Xuân Trường hàng loạt các phong trào đấu tranh đã diễn ra với nhiều hình thức: rải truyền đơn; xuất bản sách báo tuyên truyền như Sự tích Lý Thường Kiệt, Đời nay; liên chi ủy Xuân, Giao, Hải huy động nhân dân chuẩn bị đón tiếp phái đoàn Gô-Đa của Pháp khi sang Việt Nam để điều tra tình hình. Tiêu biểu nhất là trên lĩnh vực đấu tranh nghị trường, Huyện ủy đã vận động quần chúng tẩy chay dân biểu Nguyễn Thế Vinh - tay sai của địch, bầu thắng cử cho ông Bùi Đức Mậu. Từ trong các phong trào, nhiều tổ chức quần chúng hợp pháp như Hội nông dân, Hội tương tế, Hội tương thân… được thành lập. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Xuân Trường có tác dụng to lớn trong việc động viên, giáo dục và lãnh đạo quần chúng đấu tranh, đây được coi là bước diễn tập cho cách mạng thành công ở Xuân Trường.

 3. Chuẩn bị lực lượng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền (1939 - 1945)

Trong cao trào 1939 - 1945 nhân dân Xuân Trường đã tích cực chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Công tác tuyên truyền, tổ chức, tập hợp quần chúng được khẩn trương xúc tiến như tại Lạc Nghiệp, Xuân Bảng, Đông An, Trà Bắc, Nam Điền… Các đội vũ trang tuyên truyền được thành lập và hoạt động mạnh mẽ: tổ chức diễn thuyết tại chợ Cát Xuyên (20/6/1945), tiến hành công tác địch vận… Các đội tự vệ vũ trang ra đời và hoạt động gần như công khai tại Lạc Quần, Lạc Nghiệp, Đông An, Xuân Bảng. Khí thế cách mạng sục sôi tại Xuân Trường.

Ngày 14/8/1945 Nhật đầu hàng Đồng minh, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tại Nam Định, từ ngày 17/8/1945 đến ngày 21/8/1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và mặt trận Việt Minh, nhân dân các địa phương đã nhất tề nổi dậy giành chính quyền.

Khởi nghĩa thành công ở Trực Ninh (17/8/1945), Nam Trực (18/8/1945) đã ảnh hưởng đến tinh thần cách mạng tại Xuân Trường. Tối ngày 19/8/1945, hội nghị giữa đại diện Đảng bộ và Việt Minh được tổ chức tại chùa Tự Lạc (Thọ Nghiệp), quyết định đồng loạt khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn huyện vào sáng ngày 20/8/1945. Theo kế hoạch, lực lượng khởi nghĩa chia làm 2 mũi tiến công địch. Một mũi từ Đông An (Xuân Thành), Hạc Châu (Xuân Châu), một mũi từ Tự Lạc (Thọ Nghiệp), hai mũi hợp quân tại dốc Xuân Bảng tiến đánh đồn Lạc Quần (Xuân Ninh) trước, sau đó sẽ đánh chiếm phủ Xuân Trường và đồn Đoan Ngô Đồng.

Trước giờ khởi nghĩa xét thấy nếu phủ Xuân Trường chưa đầu hàng thì binh lính đồn Lạc Quần chưa chắc đã chịu hạ vũ khí, do đó ta đã thay đổi kế hoạch, mũi Đông An chiếm phủ Xuân Trường trước.

Tại Đông An, quân khởi nghĩa cùng nhân dân với khí thế mạnh mẽ tiến vào phủ lị Xuân Trường. Đoàn người ngày càng đông, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam Độc lập vạn tuế, ủng hộ Việt Minh, đả đảo bù nhìn…”. Trước sức ép mạnh mẽ của lực lượng cách mạng, tri phủ Vũ Ngọc Tỉnh phải nộp vũ khí, giấy tờ, sổ sách cho ban chỉ huy khởi nghĩa. Ngay sau đó ban chỉ huy tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng.

Sau đó, đoàn tiếp tục kéo xuống đồn Lạc Quần, đến dốc Xuân Bảng (nay là thị trấn Xuân Trường) thì gặp quân khởi nghĩa xuất phát từ chùa Tự Lạc (Thọ Nghiệp). Hai đoàn quân kết hợp tiến đánh đồn Lạc Quần. Đến trưa, địch buộc phải giao đồn cho cách mạng.

Thắng lợi tại Lạc Quần và phủ Xuân Trường có ý nghĩa lớn đối với việc giành chính quyền tại các địa phương khác trong toàn huyện. Ủy ban hành chính lâm thời huyện Xuân Trường ra đời do đồng chí Nguyễn Xuân Kỷ làm chủ tịch. Từ đây, lịch sử huyện Xuân Trường nói riêng, tỉnh Nam Định cùng cả nước nói chung bước sang một trang mới.


Bài 4. XUÂN TRƯỜNG 
TRONG SỰ NGHIỆP ĐẤU TRANH BẢO VỆ ĐỘC LẬP DÂN TỘC

1. Xuân Trường trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, tình hình Xuân Trường gặp nhiều khó khăn.

Về kinh tế: Nhiều ruộng đất bị bỏ hoang, nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945 còn để lại hậu quả nặng nề, sản xuất sút kém.

Về văn hóa: Do chính sách bóc lột và ngu dân của chế độ thực dân đã làm cho hơn 90% người dân Xuân Trường mù chữ, các hủ tục cũ, tệ nạn xã hội đè nặng lên đời sống tinh thần của người dân.

Về xã hội: Đời sống nhân dân khổ cực, bọn phản cách mạng lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc chính sách của Đảng, gây chia rẽ trong quần chúng.

Trước tình hình đó, Xuân Trường bắt tay ngay vào việc giải quyết những khó khăn về mọi mặt.

Ngày 6/1/1946, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Xuân Trường nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội, Xuân Trường có 2 đại biểu là ông Đặng Xuân Thiều và ông Đinh Khắc Anh trúng cử. Đến tháng 3/1946, cuộc bầu cử hội đồng nhân dân từ xã đến huyện thắng lợi, đập tan âm mưu xuyên tạc của bọn phản động.

Để khắc phục những khó khăn về kinh tế, Đảng bộ huyện phát động phong trào “Nhường cơm sẻ áo”, “Hũ gạo cứu đói”, chia ruộng đất cho nông dân, bãi bỏ các thứ thuế vô lý. Nhân dân phấn khởi tăng gia sản xuất, nạn đói từng bước được đẩy lùi. Công tác diệt giặc dốt cũng được nhân dân tích cực hưởng ứng. Đến năm 1949 toàn huyện có 50% số người biết đọc, biết viết, các trường Tiểu học được thành lập ở hầu hết các xã.

Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Xuân Trường đã chủ động bước vào cuộc kháng chiến gian khổ, quyết liệt chống thực dân Pháp.

Ngày 18/10/1949, Pháp cho 6 tàu chiến, 2 ca nô đổ quân lên Hạc Châu (Xuân Châu), sau đó chúng chiếm Hành Thiện, Bùi Chu, cho tàu chiến chạy dọc sông Ninh Cơ chiếm Lạc Quần và các xã phía Nam huyện, đồng thời chúng còn cấu kết với bọn phản động tại địa phương nổi dậy chống chính quyền cách mạng. Cuộc hành quân chiếm đóng của Pháp đã vấp phải sự đánh trả quyết liệt của lực lượng vũ trang và nhân dân các xã trong huyện như cuộc đấu tranh của du kích Xuân Châu, du kích Xuân Khu (Xuân Hồng), du kích Trà Bắc (Xuân Bắc)… tiêu biểu là cuộc đấu tranh của đội du kích Ngọc Hồ[6] (Xuân Ngọc).

Sau khi chiếm xong Xuân Trường, Pháp tiến hành xây dựng ngụy quân, ngụy quyền, biến các nhà thờ thành đồn bốt hòng biến Xuân Trường thành vùng tự trị. Mặt khác, chúng tăng cường vơ vét, bóc lột nhân dân, đàn áp phong trào đấu tranh, bắt bớ, tra tấn các chiến sĩ cách mạng. Đây là thời kì đau thương mà lịch sử gọi là “Thời kì hai năm bốn tháng” của Xuân Trường nói riêng và Nam Định nói chung.

          Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, sự lãnh đạo của Đảng bộ Xuân Trường, nhân dân đã đấu tranh chống Pháp quyết liệt nhằm tiêu diệt một phần sinh lực địch, tạo điều kiện phục hồi và phát triển chiến tranh du kích, bảo vệ tài sản, tính mạng, mùa màng của nhân dân. Cuộc đấu tranh giành đất, giành dân của Xuân Trường diễn ra quyết liệt. Ta đã làm thất bại âm mưu chia rẽ và muốn biến Xuân Trường thành vùng tự trị của kẻ thù.

Từ năm 1952, quân dân Xuân Trường đã đẩy mạnh hoạt động quân sự, đánh địch ở nhiều nơi như Lạc Quần, Bùi Chu, An Cư, Trà Thượng, Bắc Câu…Tiêu biểu là trận đánh của ta tại làng Ngọc Liên[7] (Xuân Hòa) và tấn công địch tại đồn Liêu Đông (Xuân Tân)[8].

Cuộc chiến đấu của ta đã phá vỡ từng mảng lớn ngụy quyền cơ sở, đưa chính quyền cách mạng ra hoạt động công khai.

Cuối năm 1952, sau thất bại liên tiếp trên chiến trường, Pháp dồn quân mở những cuộc càn quét lớn vào miền Nam Nam Định. Ngày 13/12/1952, địch tập trung 21 tiểu đoàn cơ động với 50 pháo, 550 xe cơ giới, 22 máy bay, 8 tàu chiến, ca nô tấn công vào Xuân Trường. Quân dân Xuân Trường đã phối hợp với bộ đội chủ lực chủ động chặn đánh địch. Địch bị tổn thất nặng nề, những mục tiêu của chúng đặt ra không thực hiện được, phần lớn Xuân Trường được giải phóng, địch chỉ còn co cụm trong các vị trí: Hành Thiện, Bùi Chu, Liêu Đông, Trà Trung, An Cư, Trung Linh, Lạc Quần.

Bước sang đông xuân 1953 - 1954, với những chiến thắng dồn dập trên chiến trường, đặc biệt là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân Xuân Trường. Quân địch hoang mang cực độ, nhân dân ta thì phấn khởi, hăng hái hơn, ta tổ chức bao vây, uy hiếp tất cả các vị trí còn lại. Ngày 1/7/1954, địch rút chạy khỏi Xuân Trường. Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ đã đưa cả nước nói chung, Xuân Trường nói riêng bước vào thời kì mới: hòa bình, độc lập.

Trong thời kì chống Pháp, quân dân Xuân Trường cùng với bộ đội đánh 2000 trận, trong đó có 152 trận tiêu biểu, tiêu diệt 9 đồn bốt địch, loại khỏi vòng chiến đấu 2.565 tên địch, phá hủy 15 xe cơ giới, thu 1435 súng và hàng chục tấn đạn dược.

Với những thành tích biểu biểu trong  cuộc kháng chiến chống Pháp, quân và dân Xuân Trường vinh dự được Đảng và nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

2. Xuân Trường trong thời kì chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)

2.1. Khắc phục khó khăn, cải tạo quan hệ sản xuất và thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965)

Ngày 1/7/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Nam Định, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Xuân Trường bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, củng cố chính quyền cách mạng, khôi phục kinh tế (1955 - 1960).

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc nhưng đã để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Để ổn định tình hình, chính quyền cách mạng đã thực hiện các biện pháp như: tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”… Quốc phòng an ninh được củng cố và phát triển, thẳng tay trừng trị những phần tử phản động, đập tan những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc nhằm chia rẽ quần chúng. Nhờ tinh thần chủ động, tích cực của các cấp lãnh đạo, sự hăng hái của nhân dân, đời sống nhân dân dần ổn định.

Trong cuộc đấu tranh chống dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam, Xuân Trường đã đạt được kết quả khá tốt, nhiều gia đình đã tình nguyện rút đơn, trả giấy thông hành, yên tâm ở lại quê hương.

Trong công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội ở địa phương cũng đạt nhiều thành tựu.

Phong trào hợp tác xã nông nghiệp đưa nông dân vào làm ăn tập thể phát triển. Số hộ nông dân vào hợp tác xã ngày càng tăng. Những thành tựu tiến bộ của khoa học - kĩ thuật được áp dụng vào sản xuất. Lần đầu tiên Nam Định đưa máy cày về giúp nông dân làm đất tại Xuân Trường, mở đường cho công cuộc cơ giới hóa nông nghiệp. Các nghề thủ công truyền thống được duy trì và khuyến khích phát triển như cơ khí Xuân Tiến, Xuân Kiên, dệt chiếu cói ở Xuân Dục và Xuân Nghĩa (Xuân Ninh), dệt vải ở Xuân Khu (Xuân Hồng), khâu nón ở Xuân Bắc…

Văn hóa giáo dục được cán bộ và nhân dân trong huyện chăm lo. Số trường, lớp, số học sinh ngày càng tăng. Cuối năm 1964 đến đầu năm 1965, tổng số học sinh các cấp lên đến 25.000 em.

Y tế được quan tâm, hệ thống y tế được thành lập từ huyện xuống xã, đội ngũ y, bác sĩ ngày càng tăng.

Những thắng lợi trên làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện tạo điều kiện thuận lợi để huyện nhà góp sức vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước.

2.2. Tích cực sản xuất, chống chiến tranh phá hoại góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975)

Năm 1965, sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mĩ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mĩ vào chiến trường miền Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân và hải quân. Cùng với nhân dân cả nước, Xuân Trường chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến. Lực lượng chiến đấu ngày càng phát triển, năm 1965 toàn huyện đã thành lập được 7 tổ săn máy bay. Nhiều đợt máy bay địch bay qua Xuân Trường đã bị đánh trả quyết liệt. Ngày 24/8/1965, dân quân Xuân Trung, Xuân Tân, Xuân Châu phối hợp đánh trả máy bay Mĩ khi chúng bắn phá đê Phú Ân, ta đã bắn cháy 1 máy bay, bắt sống giặc lái tại xã Xuân Phú.

Cùng với xây dựng lực lượng chiến đấu, hệ thống hầm hào được hình thành ở hầu hết các xã. Nhân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu, các lĩnh vực sản xuất, văn hóa, giáo dục, y tế vẫn ổn định và đạt kết quả tốt. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Ngày 1/11/1968, Mĩ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và buộc phải chấp nhận đàm phán với ta ở Hội nghị Pa-ri. Từ năm 1969, quân và dân Xuân Trường đã tranh thủ thời gian hòa bình, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh mọi hoạt động sản xuất.

Năm 1972, Mĩ ồ ạt đánh phá một số thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định bằng không quân trong đó có cả máy bay B52 và hải quân. Xuân Trường với hai con sông lớn là sông Hồng và sông Ninh Cơ, có nhiều bến đò, bến phà nên đã trở thành mục tiêu phong tỏa của Mĩ. Từ tháng 5/1972, chúng rải thủy lôi, bom nổ chậm xuống khắp triền sông và những trọng điểm giao thông đường thủy. Kết hợp với bộ đội công binh, lực lượng dân quân đã ngày đêm canh gác hướng dẫn các phương tiện qua sông, tổ chức phá bom, phá thủy lôi, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Cuối năm 1972, sau chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” đế quốc Mĩ buộc phải chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Hiệp định Pari được kí (27/1/1973), miền Bắc bước vào thời kì khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển sản xuất.

Vừa xây dựng, vừa chiến đấu, quân và dân Xuân Trường còn hướng ra tiền tuyến, tích cực chi viện giúp đồng bào miền Nam đánh thắng giặc Mĩ, thực hiện nhiệm vụ thống nhất đất nước. Lớp lớp thanh niên Xuân Trường nô nức tòng quân ra mặt trận, riêng năm 1965 đã có 3.000 thanh niên vào Nam chiến đấu. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, huyện Xuân Trường đã chuyển 8.000 tấn lương thực, 400 tấn thực phẩm phục vụ tiền tuyến.

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui chung của cả nước, nhân dân Xuân Trường phấn khởi, tự hào vì đã tích cực góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Chương III

XUÂN TRƯỜNG TỪ SAU ĐẤT NƯỚC GIẢI PHÓNG ĐẾN NAY

Bài 5: XUÂN TRƯỜNG SAU NGÀY ĐẤT NƯỚC GIẢI PHÓNG ĐẾN TRƯỚC KHI TÁI LẬP

1. Thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm (1976 - 1980)

Sau khi đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới: Cả nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tháng 12/1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần IV đã khẳng định: Nhiệm vụ trọng tâm của thời kỳ cách mạng mới là “Đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất, kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”.

Thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ V đã đề ra phương hướng chung cho toàn Đảng và nhân dân trong huyện là: “Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, thực hiện phân công lao động xã hội nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và từng bước cải thiện đời sống nhân dân”.

Sau 5 năm, toàn huyện đã đạt được những thành tựu cơ bản về mọi mặt:

Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cải tạo cơ sở vật chất đã bước đầu phát triển. Tính đến năm 1980 năng suất lúa 53,48 tạ/ha (năng suất lúa của tỉnh đạt 37,46 tạ/ha, Xuân Tiến, Xuân Kiên là những đơn vị dẫn đầu năng suất lúa của tỉnh). Một số công trình giao thông, công trình phúc lợi được xây dựng. Phong trào cải tạo đường giao thông ở các thôn xóm với xu thế gạch hóa, xỉ hóa… Xuân Trường được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng III về phong trào làm đường giao thông nông thôn.

Giáo dục, y tế, văn hóa được đầu tư quan tâm với phong trào ngói hóa, mái bằng hóa, xây dựng trường cao tầng, tăng cường đội ngũ y, bác sỹ và cơ sở vật chất cho các các dịch vụ khám chữa bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Công tác quốc phòng an ninh được đề cao, xây dựng huyện thành pháo đài vững chắc, tuyển quân bổ sung lực lượng cho quân đội đề vượt chỉ tiêu (Các năm 1976 - 1980 đều vượt từ 1- 8% chỉ tiêu, đơn vị tiêu biểu là xã Xuân Bắc), phong trào quần chúng bảo vệ an ninh phát triển sâu rộng trong huyện.

Góp phần phân công lại lao động, huyện đã vận động trên một vạn nhân khẩu đi vùng kinh tế mới và các công trường.

Những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện đã giúp cho Đảng bộ và nhân dân huyện nhà vượt qua khó khăn thử thách, vươn lên trở thành huyện mạnh về kinh tế, vững vàng về an ninh quốc phòng trong thập kỉ 80.

2. Thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm (1981- 1985)

Ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chỉ thị 100 - CT/TƯ về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”. Chỉ thị 100 được nông dân phấn khởi đón nhận, hăng hái, tự giác, nhiệt tình để lao động đạt hiệu quả. Do vậy, diện tích và năng suất lúa tăng lên rõ rệt (năm 1982 toàn huyện đạt năng suất lúa cả năm là 71,19 tạ/ha, là năm có sản lượng lương thực cao nhất so với những năm trước). Cùng với khoán sản phẩm trong trồng trọt, khoán chăn nuôi trong gia đình xã viên cũng được áp dụng. Thu nhập các gia đình đều tăng.

Nghề thủ công truyền thống được khôi phục và phát triển như: đan võng đay ở Xuân Tân, Xuân Phong, Xuân Thành, Xuân Đài; làm nón lá, đan cót, thảm cói ở Xuân Trung, Xuân Hồng…

Giáo dục, y tế, văn hóa được Đảng bộ và nhân dân quan tâm. Năm 1981 thành lập thêm phân hiệu trường THPT Xuân Trường đặt tại xã Xuân Vinh và từ năm 1982-1983 trường THPT Xuân Vinh chính thức được thành lập (nay là trường THPT Xuân Trường B). Năm 1982 có 95% trẻ em trong độ tuổi đi nhà trẻ, 97% trẻ em trong độ tuổi vào các lớp mẫu giáo, chất lượng dạy và học được nâng lên. Lá cờ đầu trong giáo dục phổ thông là xã Xuân Ngọc; giáo dục nhà trẻ, mẫu giáo là xã Xuân Thượng. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trong nhân dân được quan tâm. Phong trào thể dục thể thao được duy trì, xây dựng khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo, thực hiện chính sách đối với người có công…

3. Xuân Trường thực hiện đường lối đổi mới đến khi tái lập huyện

Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX (tháng 9/1986) đã đánh giá những thành tựu đạt được cũng như những tồn tại trong những năm qua, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới đó là: Tăng cường đoàn kết thống nhất, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo; tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện kết hợp với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xuất khẩu; phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường công tác quốc phòng an ninh…

 Ngày 05/4/1988, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết số 10-NQ/TW (Nông dân gọi là khoán 10 hay khoán hộ). Nghị quyết đã đề ra cơ chế khoán mới thay cho cơ chế khoán theo chỉ thị 100-CT/TW.

Đường lối đổi mới của Đảng được sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân, đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

          Đến năm 1995 bình quân lương thực theo đầu người đạt 504 kg - là thời kì đầu tiên huyện đạt năng suất bình quân 10 tấn thóc/ha/năm, đánh dấu mốc son lịch sử của nền nông nghiệp của Xuân Trường. Cùng với cây lúa, cây màu, cây công nghiệp cũng phát triển cả về diện tích và năng suất như ngô, đỗ tương, khoai tây, dưa chuột, đay… Chăn nuôi lợn phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò chủ đạo, tổng đàn lợn năm 1991 - 1995, tăng 19% so với năm từ 1986 - 1990.

          Trong huyện xuất hiện nhiều công ty TNHH, các cơ sở tư nhân sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hoạt động hiệu quả như HTX cơ khí Xuân Tiến, vận tải Xuân Trung, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ Xuân Hồng…

          Ngành giáo dục huyện luôn giữ vững danh hiệu tiên tiến của tỉnh, công tác y tế có nhiều tiến bộ, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Thành tích văn hóa, thông tin, thể dục thể thao có bước phát triển vững chắc theo hướng tích cực.

         Những thành tựu bước đầu trong sự nghiệp đổi mới của huyện nhà là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đảng bộ huyện ngày một vững mạnh đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng.  

Bài 6: XUÂN TRƯỜNG TRÊN ĐƯỜNG ĐỔI MỚI, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

1. Xuân Trường sau 20 năm tái lập

Từ ngày 01/4/1997, huyện Xuân Trường được tái lập và chính thức đi vào hoạt động sau gần 30 năm hợp nhất với huyện Giao Thủy.

Những ngày đầu tái lập, huyện Xuân Trường gặp không ít khó khăn: Là huyện thuần nông, nông nghiệp chiếm chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của huyện, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, hạ tầng kinh tế kĩ thuật kém phát triển, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ít được đào tạo chính quy, vì vậy còn bất cập về năng lực, trình độ kinh nghiệm công tác; các vấn đề việc làm, môi trường, tệ nạn xã hội phức tạp…

Tuy nhiên, sau 20 năm kể từ khi tái lập huyện, nhờ đường lối và chính sách đổi mới của Đảng cùng với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân nên Xuân Trường đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đạt được những bước tiến vượt bậc, nhiều công trình dự án có ý nghĩa chính trị to lớn được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, 11 tháng 3 năm 2017, UBND tỉnh Nam Định đã khởi công xây dựng tuyến tỉnh lộ 489C từ cầu Lạc Quần đến Sa Cao - Thái Hạc nối với quốc lộ 10 đi cả Hải Phòng và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Đông Bắc của Tổ quốc, tạo điều kiện cho kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển.

Sản xuất nông nghiệp đạt nhiều thành tựu quan trọng. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, xây mới phù hợp với yêu cầu của sản xuất. Nhiều tiến bộ khoa học kĩ thuật được áp dụng, tập trung sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mô hình cánh đồng lớn mang lại giá trị kinh tế cao như sản xuất giống lúa của công ty Cường Tân, sản xuất lúa hàng hóa của công ty Đình Mộc, sản xuất cây dược liệu của công ty Hoàng Diệu, công ty 27/7 tại vùng bãi xã Xuân Thành, Xuân Tân… Xuân Trường là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định xây dựng thành công mô hình liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Năm 2016 tập đoàn VinGroup đầu tư triển khai dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (sản xuất rau sạch) trên diện tích 140 ha tại vùng đất bãi xã Xuân Hồng.

Chăn nuôi phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng đang chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp với quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường đang được quan tâm đầu tư. Các vùng nuôi trồng thủy sản chủ yếu là nuôi cá truyền thống và một số thủy sản khác tập trung chủ yếu ở xã Xuân Tân, Xuân Đài, Xuân Hòa, Xuân Thủy, Xuân Phú, Xuân Ngọc, Xuân Vinh.

Kết quả năng suất lúa bình quân đạt 126,4 tạ/ha/năm. Giá trị sản xuất năm 2016 đạt 99 triệu đồng/ha, tăng 4 lần so với năm 1997. Chăn nuôi chiếm 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới của Xuân Trường đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Diện mạo nông thôn được đổi mới, ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên… Đến tháng 8/2017 toàn huyện có 20/20 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2017 Xuân Trường đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

 Tham quan dự án nông nghiệp công nghệ cao của tập đoàn Vingroup tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường

 

Cụm công nghiệp cơ khí chế tạo xã Xuân Tiến

Được xác định là khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội của huyện, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được tập trung phát triển với các ngành chủ yếu là cơ khí, đóng tàu, dệt may, chế biến lâm sản. Đến nay, Xuân Trường đã trở thành điểm sáng của tỉnh Nam Định về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, (đứng thứ 2 toàn tỉnh sau thành phố Nam Định). Toàn huyện có 4 cụm công nghiệp (gồm: Cụm công nghiệp Xuân Tiến[9], cụm công nghiệp cơ khí đóng tàu thị trấn Xuân Trường, cụm công nghiệp trung tâm huyện Xuân Trường và cụm công nghiệp Xuân Bắc) với diện tích 52 ha tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các làng nghề thủ công truyền thống được phục hồi, duy trì và phát triển. Năm 2016 giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 3.175 tỉ đồng, tăng gần 54 lần so với năm 1997 chiếm tỷ trọng 42,18% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2016 đạt 31,6 triệu USD tăng 28,7 lần so với năm 1997. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ phát triển hạ tầng kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Xuân Trường là vùng đất có truyền thống hiếu học và học giỏi, giáo dục - đào tạo được xác định là một trong hai mũi nhọn truyền thống được ưu tiên phát triển. Đến nay, toàn huyện có 05 trường THPT, 01 trung tâm GDTX, 21 trường THCS, 28 trường Tiểu học và 20 trường Mầm non. Trong đó, có 02/5 trường THPT, 12/21 trường THCS, 15/20 trường mầm non, 28/28 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia; 01 trường mầm non, 10 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ II. Chất lượng giáo dục toàn diện của huyện được duy trì, đảm bảo thực chất, đồng đều ở các cấp học. Thành tích học sinh giỏi nằm trong tốp đầu của tỉnh. Năm 2017 chất lượng đại trà của huyện đã vươn lên xếp thứ nhất tỉnh. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp ở các cấp học đều đạt cao, tỉ lệ học sinh đỗ vào cao đẳng, đại học ngày một tăng trong đó có nhiều học sinh đỗ thủ khoa. Trường THPT Xuân Trường và THPT Xuân Trường B được xếp vào tốp 200 trường có tỉ lệ học sinh đỗ cao đẳng, đại học cao nhất toàn quốc… Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện nhiều năm liên tục được công nhận danh hiệu thi đua tiên tiến của tỉnh và được tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2009 được chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã làm dày thêm truyền thống tốt đẹp của giáo dục Xuân Trường. Đó là hành trang, là nền tảng vững chắc để ngành giáo dục và Đào tạo Xuân Trường tiếp tục vững bước đi lên giành những thành tích to lớn hơn, xứng đáng với tiềm năng của miền đất học, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương.

Ngành Y tế huyện Xuân Trường có những bước tiến mới. Cơ sở hạ tầng khang trang, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ y bác sỹ có trình độ chuyên môn vững vàng. Đến nay, có 20/20 xã, thị trấn được công nhận đạt chẩn quốc gia về y tế, trong đó có 17/20 xã, thị trấn đạt chuẩn giai đoạn II, 100% thôn, xóm (tổ dân phố) có y tế thôn. Hoạt động y tế dự phòng, nhất là tiêm chủng mở rộng trên địa bàn huyện trong những năm qua luôn thực hiện hiệu quả. Cuộc vận động toàn dân tham gia đóng bảo hiểm y tế được nhân dân tích cực hưởng ứng. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được nâng cao đáp ứng niềm tin yêu, mong mỏi của người bệnh và của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.


Bệnh viện Đa khoa huyện Xuân Trường

Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì và phát triển, gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống, gia đình, làng xóm, cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thường xuyên. Tỷ lệ hộ nghèo năm 1997 là 22,5% đến năm 2016 giảm xuống còn 3,6%. Các đối tượng chính sách và người có công được quan tâm chăm sóc.

Công tác quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo, truyền thống quê hương được giữ vững, khối đoàn kết toàn dân nhất là đoàn kết lương - giáo được phát huy, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Với những kết quả đạt được, nhiều năm huyện Xuân Trường được xếp trong tốp dẫn đầu phong trào thi đua của tỉnh Nam Định. Cán bộ và xã viên HTX nông nghiệp Xuân Phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kì đổi mới. Nhân dân và cán bộ huyện Xuân Trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007 và hạng Nhì năm 2016. Nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân được các cấp, các ngành vinh danh và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

2. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Xuân Trường trong những năm tiếp theo

Phát huy những thành tựu to lớn của huyện đã đạt được 20 năm qua, định hướng phát triển huyện trong những năm tới là: “Tiếp tục đổi mới, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương, nâng cao tính năng động, sáng tạo, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyến; phát huy vai trò, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; tập trung khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững; thực hiện tích cực đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; đảm bảo quốc phòng - an ninh; ổn định chính trị - xã hội; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng huyện Xuân Trường ngày càng giàu mạnh, văn minh, vươn lên trong tốp dẫn đầu của tỉnh”[10].

 

TỔNG BÍ THƯ TRƯỜNG CHINH

NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA QUÊ HƯƠNG XUÂN TRƯỜNG

1. Tiểu sử

Tổng Bí thư Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu sinh ngày 9/2/1907 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, mất ngày 30/9/1988 tại Hà Nội. Ông nguyên là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

 

Tổng Bí thư Trường Chinh (1907 - 1988)

Ông nội ông là cụ Đặng Xuân Bảng (1827 - 1910), đỗ tiến sĩ đời Tự Đức, làm Tuần phủ tỉnh Hải Dương, sau đó, được chuyển sang ngạch học quan, làm đốc học tỉnh Nam Định.

Cha ông là cụ Đặng Xuân Viện (1880 - 1958), là người học rộng nhưng không chuyên về cử nghiệp. Cụ học chữ quốc ngữ rồi trở thành một nhà báo, viết cho nhiều tờ báo lớn xuất bản ở Hà Nội như Nam Phong, Trung Bắc Tân Văn, Ngọ báo.

Thân mẫu ông là cụ Nguyễn Thị Từ (người làng Hành Thiện) - một người phụ nữ hiền lành, đức độ. Cái đức của cụ đã ảnh hưởng rất nhiều đến các con đặc biệt là người con cả Trường Chinh.

Ông kết duyên với bà Nguyễn Thị Minh, người cùng làng. Hai người sinh được bốn người con, một gái, ba trai, sau này đều là những trí thức cách mạng.

Năm 1925, khi còn học ở bậc Thành Chung (nay là trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Nam Định), Đặng Xuân Khu đã tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá cho Phan Bội Châu, lãnh đạo cuộc bãi khóa ở Nam Định để truy điệu Phan Chu Trinh. Năm 1926, ông bị trường đuổi học.

Năm 1927, Đặng Xuân Khu chuyển lên Hà Nội, tiếp tục học ở trường Cao đẳng Thương mại và tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1929, ông tham gia cuộc vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của đảng này.

Như vậy, từ một người yêu nước, Đặng Xuân Khu đã nhanh chóng trở thành người cộng sản và suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

2. Trường Chinh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam

Năm 1930, Trường Chinh được chỉ định vào Ban tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm đó ông bị đế quốc bắt và kết án 12 năm tù, bị tù đày qua các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La.

Năm 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp lên cầm quyền, chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp đã áp dụng một số chính sách tự do dân chủ cho các nước thuộc địa. Một số tù chính trị ở Việt Nam được thả ra đã nhanh chóng tìm cách hoạt động trở lại, trong đó có Trường Chinh. Ông tìm cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng ở Hà Nội, hoạt động tích cực góp phần vào sự thành công của cuộc vận động dân chủ do Đảng lãnh đạo trong thời kỳ 1936 - 1939.

Tại Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương (tháng 11/1940), Trường Chinh được bầu là quyền Tổng Bí thư của Đảng. Cùng với Ban Chấp hành Trung ương mới, ông từng bước lãnh đạo, củng cố hệ thống tổ chức của Đảng, xây dựng các an toàn khu và đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng.

Tháng 5/1941, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương, Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên cương vị Tổng Bí thư ông đã cùng Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, củng cố và khôi phục phong trào, phát triển lực lượng chính trị, xây dựng và mở rộng mặt trận Việt Minh, xây dựng các chiến khu, thành lập khu giải phóng… lãnh đạo đoàn kết toàn dân tộc tập trung vào nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu của cách mạng Việt Nam lúc này là đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, giải phóng dân tộc.

Nắm sát và dự báo đúng tình hình Nhật sẽ “hất cẳng” Pháp độc chiếm Đông Dương, ngay đêm Nhật đảo chính Pháp, Tổng Bí thư Trường Chinh đã kịp thời chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng, ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, mang ý nghĩa lịch sử này đã thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước thành cao trào “Kháng Nhật cứu nước”. Trong những ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử, ông đã cùng Trung ương Đảng kịp thời ra lệnh Tổng khởi nghĩa, phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Cách mạng tháng Tám thành công - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập và tự do.

Những ngày đầu sau cách mạng, nhà nước cộng hòa non trẻ của ta nằm trong vòng vây của các thế lực đế quốc, phản động, cách mạng ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Trường Chinh đã cùng Hồ Chủ Tịch và Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta vượt qua khó khăn, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, tranh thủ thời cơ, chuẩn bị điều kiện mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1947, ông viết tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, vạch ra chiến lược chiến tranh cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chiến đấu và vững tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Ông đã cùng Hồ Chủ Tịch, Trung ương Đảng quyết tâm lãnh đạo, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng miền Bắc, đánh dấu bắt đầu thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên thế giới.

 

Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Hành Thiện - Xuân Hồng - Xuân Trường - Nam Định)

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là Ủy viên Bộ Chính trị, trực tiếp phụ trách công tác tư tưởng và là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Trường Chinh có nhiều đóng góp quan trọng vào sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng đường lối cách mạng, lãnh đạo, tổ chức và động viên nhân dân tập trung cao nhất mọi nguồn lực xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh, chuẩn bị các quyết sách chiến lược lớn để giải phóng miền Nam, hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trên cả hai miền, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trường Chinh có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng nhà nước kiểu mới. Là Ủy viên Ban Dự thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1960 - 1961), Chủ tịch Ủy ban Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1980), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1981 - 1987), ông tham gia chỉ đạo soạn thảo và công bố nhiều đạo luật, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX, nước ta trong tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội. Tháng 7/1986, Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cương vị Tổng Bí thư, ông nhận định: “Đổi mới là một tất yếu khách quan. Đổi mới là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với đất nước và dân tộc ta”. Đường lối đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra, mà Trường Chinh là một trong những người tiên phong đã đưa đất nước từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng, giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta trước sự đổ vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

Không những là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, Trường Chinh còn là nhà lý luận chiến lược của cách mạng Việt Nam, với nhiều tác phẩm có giá trị; là một nhà văn hóa lớn, tác phẩm “Đề cương văn hóa Việt Nam” năm 1943 là cơ sở lý luận cho đường lối văn hóa văn nghệ phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của Đảng. Ông cũng là một nhà báo cách mạng, nhà thơ với bút danh Sóng Hồng…

Với những cống hiến to lớn của Trường Chinh đối với cách mạng, ông được Đảng và nhà nước ta tặng thưởng huân chương Sao vàng cùng nhiều huân chương khác.

3. Tình cảm của Tổng Bí thư Trường Chinh với quê hương Xuân Trường

Dù bận rộn công việc chung của cả nước, Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn luôn nhớ về quê hương với tất cả tấm lòng sắt son, sâu đậm, quan tâm, theo dõi từng bước phát triển của quê hương và có ảnh hưởng rất lớn trong việc động viên khích lệ nhân dân Xuân Trường.

Tháng 11/1960, lần đầu tiên Trường Chinh về thăm quê hương Xuân Trường, gặp mặt họ hàng, thăm hỏi hàng xóm. Ông nói chuyện với các cháu thiếu nhi, hỏi từng cháu nhỏ về Năm điều Bác Hồ dạy và mong muốn các cháu luôn học và làm tốt Năm điều Bác Hồ dạy.

 

Nhân dân xã Xuân Hồng vui mừng đón đồng chí Trường Chinh về thăm quê hương (năm 1981)

Ngày 3/3/1981, sau 21 năm, Trường Chinh lại có dịp về thăm quê hương Hành Thiện lần thứ hai. Ông thăm phòng triển lãm thành tựu kinh tế của huyện tại hợp tác xã Hợp Tiến, thăm nhà trẻ Hợp Tiến và nghỉ tại khu lưu niệm. Đó cũng là lần đầu tiên khai bút cuốn sổ lưu bút tại nhà của Tổng Bí thư. Người đầu tiên khai bút chính là Trường Chinh. Tại trang đầu tiên của cuốn sổ, ông viết: "Hai mươi mốt năm nay, trở lại quê nhà, tôi vô cùng phấn khởi thấy cuộc sống của bà con nhiều đổi mới và có nhiều tiến bộ. Đó là do đồng chí, đồng bào xã ta ra sức thi hành Chỉ thị của Trung ương và Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ. Tôi ít khi về quê, vì bận công việc chung của cả nước. Tuy vậy, lòng tôi luôn luôn bên cạnh bà con và theo dõi từng bước tiến của quê hương. Chân thành chúc bà con xã nhà và đồng bào cả nước mạnh khoẻ và thu được nhiều thành tích trong sự nghiệp Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc".

Từ ngày 13 đến ngày 14/11/1987, Trường Chinh về thăm quê hương lần thứ ba, và đây cũng là lần về thăm cuối cùng của ông. Sau khi thắp hương tại từ đường, gặp gỡ dặn dò các cán bộ, các cụ cao niên trong xã, ông đã thăm chùa Keo và sau đó về Hà Nội. Lần ấy, vì đã nghỉ hưu nên ông dành trọn thời gian để thăm quê, thăm hỏi động viên mọi người và ngủ lại nhà mình.

Ngày 30/9/1988, Trường Chinh đột ngột từ trần để lại niềm tiếc thương trong lòng đồng bào, đồng chí trong cả nước nói chung và nhân dân Xuân Trường nói riêng cũng như tình cảm của anh em, bạn bè quốc tế.

Trải qua 81 tuổi đời, 63 năm hoạt động cách mạng kiên cường và liên tục, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư Trường Chinh luôn là tấm gương sáng và để lại trong lòng nhân dân Xuân Trường những tình cảm tốt đẹp, sâu nặng và niềm tự hào sâu sắc.

Tiếp thu tình cảm và tinh thần chỉ đạo của Trường Chinh đối với quê hương, nhân dân Xuân Trường không ngừng học tập, lao động, đoàn kết, đẩy mạnh công cuộc đổi mới xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn, xứng đáng với lòng mong mỏi của ông lúc đương thời.

 


[1] Tướng công Ngô Miễn (1371 - 1407), người làng Xuân Mai, xã Xuân Phương, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc, đỗ thái học sinh thời Trần nhưng không ra làm quan. Khi tới vùng đất Thiên Trường, ông thấy có nhiều bãi bồi rộng lớn, dân cư thưa thớt nên đã tâu với triều đình và tổ chức đưa người xuống vùng biển này khai hoang lập ấp, lập ra làng Nhật Thi (nay là Xuân Hy - Xuân Thủy; Xuân Bảng -  Thị trấn Xuân Trường; Xuân Dương -  Xuân Hòa).

Khi Hồ Quý Ly lên ngôi vua, thấy rõ tài đức của ông nên đã cho vời ông ra làm quan giúp đỡ triều đình. Giặc Minh sang xâm lược nước ta, ông đã cùng vua quan nhà Hồ chống cự quyết liệt. Thế giặc mạnh, quân triều đình thua trận, không cam chịu rơi vào tay giặc, Tướng công Ngô Miễn đã nhảy xuống cửa biển Kỳ La (Hà Tĩnh) tuẫn tiết.

[2] Ở Xuân Trường có Làng Hành Thiện (Xuân Hồng) là nơi tập trung nhiều người đỗ đạt cao. Thời phong kiến, làng đã đứng đầu cả nước với 419 người, trong đó có 7 đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài.

Ngoài làng Hành Thiện còn có các làng khác có nhiều người đỗ đạt như: Quần Mông (Lạc Quần), Kiên Lao, Trà Lũ, Nam Điền, Hạc Châu, Hạ Miêu, Trà Thượng…

[3] Chùa Keo Hành Thiện là quần thể kiến trúc với 13 toà rộng, dài gồm 121 gian nối tiếp nhau, toàn bộ bằng gỗ lim.Gác chuông trước cửa chùa cấu trúc kiểu tam quan nội 5 gian, chồng diêm, mái cong, bờ cánh kẻ bẩy uốn lượn.

Sau gác chuông là cụm kiến trúc trung tâm gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa đệ nhị 3 gian, tòa đệ nhất 3 gian thờ Phật và Đức Thánh Tổ Không Lộ. Cuối cùng là mười gian nhà Tổ và nhà oàn, nhà ký đồ nối liền hai bên chùa là 2 dãy hành lang gồm 80 gian khép kín càng tạo nên vẻ trang nghiêm, bề thế của tổng thể kiến trúc.

Ở trên các mảng đồ lụa, con sơn, khung bạo, kẻ bẩy… của từng tòa kiến trúc đều được chạm khắc tinh vi, tỷ mỷ như: Long cuốn thủy, ly ngậm ngọc, phượng ngậm cành hoa, tứ linh, nghê đội nóc đao.

Chùa Keo Hành Thiện đã được xếp vào cổ tích liệt hạng từ năm 1925 (theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 16/5/1925) và Bộ văn hóa công nhận “Di tích lịch sử” cấp Quốc gia từ tháng 4/1962. Ngày 01/4/2017 chùa Keo Hành Thiện được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Lễ hội chùa Keo Hành Thiện tổ chức vào ngày 10 - 15/9 âm lịch hàng năm.

[4] Phan Bá Vành là người làng Minh Giám (Thái Bình). Năm 1821, ông kêu gọi nhân dân trong vùng nổi dậy chống địa chủ, quan lại. Chủ trương của nghĩa quân là lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng lan rộng khắp vùng châu thổ sông Hồng, thu hút hàng vạn nông dân Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương tham gia.

Phan Bá Vành lập căn cứ chính ở Trà Lũ (Xuân Trung, Xuân Bắc, Xuân Phương ngày nay) và ở một số nơi khác như Mom Rô (Hành Thiện), Liêu Đông (Xuân Tân)… Hàng nghìn nông dân Xuân Trường đã tham gia cuộc khởi nghĩa. Nhiều người là tướng giỏi của cuộc khởi nghĩa như: Ông Hai Đáng, bà Vũ Thị Minh ở làng Trà Lũ, các cụ Quận Nghé, Phạm Đức Thịnh ở Lạc Nghiệp, cụ Cai Quy ở thôn Trà Thủy. Nghĩa quân đánh nhiều trận lớn trên đất Xuân Trường. Sử nhà Nguyễn ghi: “Khi lâm trận thì đàn bà, con gái cũng cầm giáo mác mà đánh”.

Năm 1827, nhà Nguyễn đem quân bao vây, tấn công căn cứ Trà Lũ. Phan Bá Vành chống cự không nổi, ông bị bắt, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp. Tuy thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa đã nêu cao tinh thần đấu tranh chống áp bức bóc lột của nhân dân ta và góp phần làm lung lay chế độ phong kiến nhà Nguyễn.

[5] Nguyễn Trương Thúy hiệu là Kiến Sơn, quê ở Nghi Lộc (Nghệ An), ông ra dạy học ở Lạc Quần (Xuân Ninh), sau chuyển về Lạc Nghiệp (Thọ Nghiệp). Ông là hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

[6] Đội du kích Ngọc Hồ là đơn vị du kích của xã Xuân Ngọc được thành lập ngày 6/1/1948. Khi thực dân Pháp tấn công vào làng, đội đã phối hợp cùng bộ đội địa phương, du kích Xuân Bắc đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, làm chậm bước tiến của chúng vì thế 4 tháng sau chúng mới vào được làng. Sau khi giặc chiếm đóng Xuân Ngọc, đội tạm lánh sang đất Xuân Bắc, rồi Xuân Nghiệp, tiếp tục chặn đánh, quấy rối địch ở nhiều địa phương. Đội du kích Ngọc Hồ được coi là điểm sáng của vùng công giáo Xuân Trường.

[7] Ngọc Liên là một thôn nhỏ của xã Xuân Hòa. Tháng 4/1952 địch huy động hơn một trung đoàn từ 3 mũi: Kiên Lao, Lạc Quần, Thức Khóa tấn công vào Ngọc Liên. Đại đội 50 thuộc tiểu đoàn Bông Lau đã phối hợp với bộ đội địa phương và du kích Xuân Hòa đập tan cuộc hành quân càn quét lớn của địch, tiêu diệt 185 tên, làm bị thương 300 tên. Đây là trận chống càn oanh liệt nhất của ta khi lực lượng địch hơn ta 25 lần nhưng vẫn thất bại.

[8] Đồn Liêu Đông nằm trên khu vực đê hữu sông Hồng thuộc làng Liêu Đông (Xuân Tân) có vị trí chiến lược quan trọng: là một trong những vị trí phòng thủ sông Hồng từ biển Đông đi Nam Định - Hà Nội, là cửa ngõ sau lưng Bùi Chu. Vì vậy, đồn Liêu Đông được địch bố phòng cẩn mật với 2 vọng gác từ trên cao, xung quang có thành lũy và hàng rào dây thép gai dày từ 2 - 3 m, bên ngoài chúng lập “Vành đai trắng”. Giữa tháng 10/1952 ta chuẩn bị tiêu diệt đồn Liêu Đông, bộ đội chủ lực bí mật về rải quân ở các khu vực gần đồn. 6 giờ sáng ngày 21/10/1952, du kích đã khống chế việc đi lại trên địa bàn Xuân Tân, 8 giờ tối lệnh đánh đồn được công bố. Bộ đội tấn công, du kích chặn đánh các ngả đường không cho địch rút chạy. Sau gần một tiếng đồng hồ, bằng lối đánh bí mật, bất ngờ, chớp nhoáng, ta đã diệt gọn đồn, thu toàn bộ vũ khí.

[9] Làng nghề cơ khí Xuân Tiến (xã Xuân Tiến) khởi đầu từ nghề đúc đồng truyền thống từ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.

Những năm qua, làng nghề Xuân Tiến đã không ngừng mở rộng về quy mô, thị trường tiêu thụ, đa dạng về sản phẩm, khẳng định chất lượng. Tiêu biểu phải kể đến Công ty TNHH Cơ khí Việt Nhật, doanh nghiệp lớn nhất trong tỉnh chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ cho nông nghiệp như máy đập lúa liên hoàn, máy bóc lạc, tách ngô, ngoài ra công ty còn sản xuất máy trộn đảo bê tông, phụ tùng xe đạp, máy cưa các loại… Cụm công nghiệp Xuân Tiến đã trở thành điểm sáng trong công tác quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp làng nghề của tỉnh Nam Định.

Năm 2012 Công ty TNHH Tân Thiên Phú, xã Xuân Tiến đã chế tạo sản phẩm máy nghiền rác thải Model VINATTP sau đó chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt tự nhiệt phân và tự sinh năng lượng (LOSIHO) góp phần bảo vệ môi trường cho quê hương và toàn thể xã hội.

[10] Trích báo cáo của đồng chí Bùi Văn Hảo TUV- Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Xuân Trường tại lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện               ( 01/4/1997 - 01/4/2017).


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

 

Bản quyền thuộc UBND huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

Địa chỉ: Thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

Điện thoại: (0228)8870699.

Email nhận thư từ tỉnh: ubndhuyenxuantruong-namdinh@chinhphu.vn

Email nhận thư trong huyện: vpxuantruong.xtg@namdinh.gov.vn

 

                     image banner